'Sóng' M&A nở rộ ngay từ đầu năm
Loạt thương vụ đình đám
Ngày 9/2, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã: CTD) công bố hoàn tất thủ tục mua lại 100% vốn góp 2 công ty là Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam) và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam.
Việc thâu tóm 2 doanh nghiệp trên phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc cho biết, cấu trúc của Coteccons gồm Unicons (sở hữu 100% vốn) là đơn vị dẫn đầu về sản phẩm nhà xưởng, khách sạn; FCC (sở hữu 42,4%) là công ty chuyên về hạ tầng và đã xây dựng đường tránh Phủ Lý tại Hà Nam. Đồng thời, công ty cũng đã thành lập một công ty con ở Mỹ, đặt văn phòng tại bang Florida. 2 doanh nghiệp vừa thâu tóm là về Facade (nhôm kính, cung cấp nguyên liệu làm bề mặt công trình) và ME (cơ điện).
Coteccons được biết đến là "ông trùm" tại phân khúc xây dựng dân dụng và công nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp xác định đa dạng hóa nguồn doanh thu là điều cần làm (không phải đa dạng hóa ngành nghề) và vẫn sẽ bám chặt vào sản xuất cốt lõi là lĩnh vực xây dựng. Theo đó, trong năm 2024, doanh nghiệp cho biết sẽ tham gia mạnh vào lĩnh vực đầu tư công và hạ tầng, nhà ở xã hội.
Ngày 31/1, Công ty cổ phần BCG Energy - thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) công bố đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán cổ phần với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Qua đó, doanh nghiệp này trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Tâm Sinh Nghĩa động hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang. Sau khi sáp nhập, BCG Energy sẽ xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện của Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM và Long An.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Bamboo Capital chia sẻ, sau hơn 1 năm tìm hiểu thị trường và phân tích chính sách, công ty quyết định đầu tư vào điện rác thông qua M&A, tiếp cận dự án đã có giấy phép sẵn trên thị trường. Tập đoàn dự kiến triển khai dự án điện rác ở 4 tỉnh thành tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố thương vụ M&A ngay từ đầu năm. Như, Công ty BaF Việt Nam thông qua việc nhận chuyển nhượng để sở hữu 99,9% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai.
DIC Corp (mã: DIG) lên kế hoạch mua 1,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thiên Quang, tương ứng 35,5% vốn điều lệ. Công ty này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn đồ dùng khác cho gia đình.
Cơ hội để M&A
Năm 2023, hoạt động M&A đình trệ do kinh tế khó khăn, chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Dữ liệu Bloomberg cho thấy giá trị thương vụ M&A và các giao dịch liên quan trên thế giới giảm gần 25% xuống 2,7 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ 2023.
Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, KPMG ước tính tổng giá trị thương vụ M&A đạt 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với 2022, số thương vụ cũng thấp hơn so với 2 năm trước.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giam đốc KPMG Việt Nam nhìn nhận năm 2023 có nhiều yếu tố bất lợi cho hoạt động M&A nhưng năm 2024 lại có nhiều động lực. Đó là dòng vốn FDI mạnh mẽ, nền tảng chính trị ổn định và cùng với đó là việc ký các thỏa thuận thương mại. Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mức 6-6,5% vào 2024 và 6,9% vào 2025, nợ công dưới mức trần 60%.
"Những nền tảng trên cho thấy năm 2024 có thể là năm thuận lợi cho các nhà đầu tư M&A nhắm đến cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động", TS. Nguyễn Công Ái nhận định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, khó khăn là lúc thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.
Tại Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG), ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT bày tỏ "chưa bao giờ Hà Đô có được chiến lược rõ ràng như bây giờ, từ HĐQT đến Ban điều hành đều có định hướng dài hạn trong 5 năm tới. Đồng thời, tập đoàn cũng xác lập lại cơ cấu tổ chức một cách đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả".
Chững lại trong 2 năm 2022 và 2023, năm nay, lãnh đạo tập đoàn xác định hướng phát triển trọng tâm vào lĩnh vực bất động sản và năng lượng, đẩy mạnh M&A các dự án mới. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị, tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh...), mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Tương tự, từ nửa cuối 2022 đến nay, Tập đoàn Bamboo Capital đã chuyển chiến lược từ mở rộng sang phòng thủ, thu hẹp hoạt động đầu tư, trả nợ, thu hồi công nợ.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital kỳ vọng năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để mở rộng khi thị trường thực sự thuận lợi.
Xem thêm tại nhadautu.vn