‘Sóng’ UPCoM dần chững lại

6 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường UPCoM đạt 60,81 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 984,18 tỷ đồng/phiên, tăng xấp xỉ 11% về khối lượng và 24,9% về giá trị so với cuối năm 2023.

Có dấu hiệu điều chỉnh

Riêng trong tháng 6/2024, thị trường UPCoM có diễn biến sôi động với nhiều phiên tăng điểm mạnh từ đầu tháng, tuy nhiên chỉ số UPCoM Index có xu hướng giảm trong tuần cuối tháng, đóng cửa tại mức 97,54 điểm, tăng 1,73% so với cuối tháng 5/2024.

-4820-1720018230.jpg

Sau giai đoạn tăng “nóng”, nhiều cổ phiếu trên thị trường UPCoM đang cho thấy có dấu hiệu quay đầu điều chỉnh.

Thực tế, thời gian qua, giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM trong nhiều phiên đã vượt qua sàn HNX nhờ không ít cổ phiếu có sóng, giá tăng mạnh. Tuy nhiên gần đây nhiệt độ bắt đầu có dấu hiệu hạ dần.

Lấy ví dụ, kể từ ngày 6/6/2024, cổ phiếu MVN của Vinalines tăng liên tục từ dưới 20.000 đồng/cp lên trên 70.000 đồng/cp vào ngày 21/6. Trong tuần cuối tháng 6, cổ phiếu này có những phiên giao dịch “tàu lượn”, tăng trần, giảm sàn trong 1 phiên, với mức biến động lên tới 30%, đóng cửa phiên 28/6 tại 53.000 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu LIC của Licogi tăng từ 19.000 đồng/cp ngày 17/6 lên 32.000 đồng/cp ngày 21/6, đến ngày 28/6 giảm còn 24.500 đồng/cp.

Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu SJG của Tổng công ty Sông Đà tăng từ 13.400 đồng/cp lên 23.300 đồng/cp, đến ngày 28/6 giảm còn 16.500 đồng/cp; cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam tăng từ 7.000 đồng/cp lên trên 9.000 đồng/cp, sau đó cũng điều chỉnh, xuống 8.200 đồng/cp.

Xét thời gian dài hơn, cổ phiếu VGI của Viettel Global, FOX của Viễn thông FPT, MFS của Dịch vụ kỹ thuật Mobifone, SBD của Công nghệ Sao Bắc Đẩu… cũng quay đầu giảm từ đỉnh nhờ tăng “nóng” từ đầu năm.

Nhìn chung, thời gian qua, thị trường giao dịch UPCoM đã khẳng định vai trò là kênh giao dịch cổ phiếu an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư và kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Với quy mô thị trường và chất lượng cổ phiếu gia tăng nhanh chóng, thị trường UPCoM đang ngày càng hấp dẫn cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nhận xét về “sóng” tăng của các cổ phiếu trên UPCoM, ông Lê Xuân Huy, chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân cho rằng hiện tượng tăng giá mạnh của một số cổ phiếu trên sàn UPCoM trong giai đoạn qua có thể được chia làm 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là những cổ phiếu đầu ngành có yếu tố cơ bản tốt, tình hình tài chính vững mạnh và có câu chuyện tăng trưởng tốt trong năm 2024 cũng như trong tương lai xa hơn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thứ hai là những cổ phiếu “penny”, không có yếu tố cơ bản nhưng lại có những thông tin tích cực gây bất ngờ.

“Đối với nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, nhà đầu tư đang kỳ vọng một sự thay đổi lớn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ trở nên tốt hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Giá cổ phiếu cũng liên tục tăng mạnh để phản ánh kỳ vọng đó”, ông Huy bình luận.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư mua lượng lớn cổ phiếu trên UPCoM với luận điểm, khối ngoại bán ròng quá mạnh trên HoSE khiến giá cổ phiếu khó tăng, còn UPCoM có hàng mới và định giá thấp hơn, trong đó có những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất chia cổ tức hấp dẫn.

Vẫn mang tính rủi ro cao

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trên sàn UPCoM không phải là những cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó dòng tiền có tính đầu cơ cao và sẽ rất nguy hiểm nếu cổ phiếu đang tăng “nóng” bỗng chốc quay đầu.

Thực tế, việc đầu tư trên sàn UPCoM mang tính rủi ro cao hơn sàn HoSE ngay từ đầu, vì chất lượng cổ phiếu niêm yết cũng đã ở mức thấp hơn. Tính đầu cơ trên sàn này còn cao hơn nhiều vì khoảng chênh lệch giá rất rộng cũng như thanh khoản thấp.

Chẳng hạn, cổ phiếu CID của Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng có tổng khối lượng khớp lệnh gần 75.000 cổ phiếu năm 2023, đã tăng lên gần 274.000 trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên trong những phiên gần đây chỉ giao dịch gần 2.000 cổ phiếu, thậm chí là 100-300 cổ phiếu. Con số giao dịch vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu, thậm chí không có giao dịch là không hiếm với nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Biên độ dao động giá trên UPCoM là 15%, nên với những cổ phiếu có sóng, giá thường tăng nhanh và mạnh, giúp nhà đầu tư gia tăng tài sản nhanh chóng. Tâm lý đầu cơ trỗi dậy khiến nhiều nhà đầu tư vốn không quan tâm tới thị trường UPCoM cũng đánh liều “thử vận may”.

Chẳng hạn, câu chuyện về những nhà đầu tư kiếm bộn tiền khi mua cổ phiếu VGI đã kích thích lượng lớn nhà đầu tư chạy theo cổ phiếu “họ” Viettel, tạo ra dòng tiền lớn đu bám ở những mã cổ phiếu này.

Không thể phủ nhận, UPCoM có những cổ phiếu tốt, nhưng biến động giá của nhiều mã có dấu hiệu vượt xa giá trị thực, nhất là một số doanh nghiệp có các chỉ số tài chính không tốt, kinh doanh èo uột như Licogi, hay Vinalines chưa hết lỗ lũy kế. Mặt khác, đa số cổ phiếu có thanh khoản khiêm tốn. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, lượng bán ra nhỏ giọt khiến cơ hội mua vào không cao nên giá dễ tăng dựng đứng.

Ở chiều ngược lại, khi cổ phiếu điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm, nhà giao dịch dễ bị “mắc kẹt” và đối diện nguy cơ thua lỗ. Hai năm trước, nhiều mã trên UPCoM từng được kéo dựng đứng trong thời gian ngắn, nhưng sau sóng lại quay về vạch xuất phát (cổ phiếu LIC từng lên gần 100.000 đồng/cp, sau đó rớt về mệnh giá).

Nhìn chung, sàn UPCoM vẫn còn nhiều doanh nghiệp hấp dẫn và có câu chuyện kinh doanh riêng. Do đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư có thể nghiên cứu tham gia nhưng vẫn cần chờ giá cổ phiếu điều chỉnh về mức định giá rẻ hơn, đồng thời cũng cần lưu ý và thận trọng khi thị trường có nhiều dấu hiệu cho thấy giá “tăng ảo” trong giai đoạn qua.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn