SQC - 'Nạn nhân' của cuộc chơi tài chính theo dấu chân Kinh Bắc (KBC)

SQC - 'Nạn nhân' của cuộc chơi tài chính theo dấu chân Kinh Bắc (KBC)
Hình minh họa

Triển vọng tươi sáng...

Thành lập vào năm 2006 tại tỉnh Bình Định, CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (Mã SQC - UPCoM) từng được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành khai thác và chế biến titan tại Việt Nam. Với lợi thế sở hữu cụm công nghiệp chế biến sâu titan gần 100ha, SQC nhanh chóng trở thành cái tên sáng giá, đạt lợi nhuận 164 tỷ đồng năm 2012 và khẳng định vị thế trong ngành.

Thời điểm ấy, công ty không chỉ nắm giữ nguồn tài nguyên titan phong phú mà còn đặt mục tiêu vươn xa hơn trong ngành chế biến khoáng sản với quy mô sản xuất thuộc hàng đầu Việt Nam. Vốn điều lệ tăng mạnh từ 10 tỷ đồng lên hơn 1.073 tỷ đồng, phản ánh tham vọng lớn của SQC trong việc chinh phục thị trường.

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, bước ngoặt xuất hiện năm 2013 khi SQC bất ngờ báo lỗ. Thời điểm cuối năm 2012, công ty đã phân bổ gần 800 tỷ đồng vào các khoản đầu tư tài chính, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Các khoản đầu tư này chủ yếu hướng đến những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Saigon Invest do ông Đặng Thành Tâm làm chủ. Tuy nhiên, đáng chú ý, các khoản đầu tư này không mang lại lợi nhuận, trở thành gánh nặng lớn cho SQC.

Trong số các khoản đầu tư lớn, khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) – đơn vị vận hành mạng S-Fone – đã khiến SQC trích lập dự phòng hơn 100 tỷ đồng (tại thời điểm cuối quý II/2024).

Năm 2012, trong bối cảnh cả SPT lẫn S-Fone đều vật lộn với khó khăn, chính khoản đầu tư tài chính vào Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn đã khiến Saigontel (SGT - doanh nghiệp con cưng của ông Đặng Thành Tâm) báo lỗ sau thuế 214 tỷ đồng, qua đó có năm thua lỗ trăm tỷ thứ hai liên tiếp. Cũng trong năm này, Đô thị Kinh Bắc (KBC) báo lỗ sau thuế 484 tỷ đồng.

... Và pha "đi lệnh" tai hại

Đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của SQC chỉ còn 666 tỷ đồng, giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh cao, trong đó tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 3,1 tỷ đồng, khiến việc duy trì hoạt động kinh doanh ngắn hạn trở nên khó khăn. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn vẫn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản, lên tới 595 tỷ đồng (đã bao gồm 119,4 tỷ đồng đã trích lập dự phòng). Những khoản mục này gần như tiêu hao toàn bộ nguồn lực của công ty, khiến SQC phải vật lộn với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng.

SQC - 'Nạn nhân' của cuộc chơi tài chính theo dấu chân Kinh Bắc (KBC)
Nguồn: BCTC quý III/2024 của SQC

Trong 9 tháng năm 2024, SQC chỉ đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng và lỗ ròng tới 38,6 tỷ đồng, nâng chuỗi thua lỗ liên tiếp lên năm thứ 12. Lỗ lũy kế hiện đã chạm ngưỡng 256 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu ngày càng thu hẹp, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng báo động đỏ.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính bán niên 2024, kiểm toán đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của SQC, làm dấy lên lo ngại về tương lai của doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SQC vừa có nhịp tăng 140% sau gần 2 tháng trước khi đứng tham chiếu 19.300 đồng trong 2 tuần trở lại đây. Trong bối cảnh đó, CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (đơn vị đang nắm 8,5% vốn KBC) vừa tăng sở hữu tại SQC lên 9,58% vốn thông qua việc mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu vào ngày 27/12. Tuy nhiên, điều này khó có thể che lấp được bức tranh kinh doanh ảm đạm của SQC.

Từng nắm trong tay nhiều lợi thế từ nguồn tài nguyên dồi dào và cơ sở hạ tầng chế biến tiên tiến, SQC lại dần trở thành "nạn nhân" của những quyết định đầu tư tài chính không hiệu quả. Thay vì tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi, công ty lại phân bổ nguồn lực vào các khoản đầu tư rủi ro, dẫn đến sự suy thoái kéo dài.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn