SSI Research: FTSE Russell có thể quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025

Sau khi Dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, SSI Research đã đưa ra Báo cáo cập nhật và đánh giá.

Việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2.

“Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại”, SSI Research nhận định.

Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh.

“Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin”, SSI Research đánh giá.

SSI Research kỳ vọng, Thông tư sẽ sớm được triển khai trong quý IV/2024 và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể có dòng vốn từ quỹ ETF lên tới 1,6 tỷ USD

Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ SSI Research, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).

Việc chuyển từ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp, hay nói cách khác đây là đạt được mục tiêu phát triển cơ sở nhà đầu tư. Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế (Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên).

Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI dù có một số tiến triển

Trước đó, trong báo cáo phân loại thị trường định kỳ của MSCI công bố hôm thứ Sáu (21/6), mặc dù chưa thêm Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nhưng MSCI đánh giá thị trường Việt Nam vẫn có một số tiến triển nhất định.

Việt Nam đã có sự cải thiện trong xếp hạng về tiêu chí Khả năng chuyển nhượng (Transferability) nhờ sự gia tăng các giao dịch ngoài sàn và chuyển dịch hiện vật sau những thay đổi về quy định.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các kế hoạch phát triển thị trường để giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh. MSCI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ của những cải cách này.

Mức giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty trong một số lĩnh vực có điều kiện và nhạy cảm nhất định phải tuân theo giới hạn sở hữu nước ngoài từ 0 đến 51%. Những hạn chế này vẫn ảnh hưởng tới hơn 10% thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mức room nước ngoài: Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể bởi vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% chỉ số MSCI Vietnam Investable Market Index (IMI) bị ảnh hưởng bởi room nước ngoài thấp.

Quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin liên quan đến công ty không phải lúc nào cũng có sẵn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, quyền của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với cả tổng số cũng như nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối: Không có thị trường tiền tệ nước ngoài và có những hạn chế đối với thị trường tiền tệ trong nước (ví dụ: giao dịch ngoại hối phải được liên kết với giao dịch bảo đảm).

Đăng ký nhà đầu tư và mở tài khoản: Việc đăng ký là bắt buộc và việc mở tài khoản cần có sự chấp thuận của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

Quy định thị trường: Không phải tất cả các quy định đều có thể tìm thấy bằng tiếng Anh.

Luồng thông tin: Thông tin thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng được công bố bằng tiếng Anh và đôi khi không đủ chi tiết.

Thanh toán bù trừ và thanh toán: Không có cơ sở thấu chi và ký quỹ trước giao dịch được yêu cầu.

Chứng khoán Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn gia nhập sân chơi mới nổi. Tuy nhiên, điều này không gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi nhiều nút thắt hiện vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là tiêu chí "giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài".

Đầu năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam còn thiếu 9/18 tiêu chí định tính về khả năng tiếp cận thị trường, trong khi nhóm tiêu chí định lượng thì đã thoả mãn.

Trong đó, “cơ chế bù trừ và thanh toán” vẫn là rào cản cho việc nâng hạng của Việt Nam do cơ chế “pre-funding”. Thông lệ quốc tế về thanh toán thực hiện cơ chế DvP, chỉ cần kiểm tra số dư trên T+2 rồi chuyển chứng khoán và thực hiện thanh toán, thay vì kiểm tra kiểm tra tài khoản và trừ tiền trên T+0.

Chứng khoán Rồng Việt dự báo, nếu như các vấn đề về thanh khoản, bù trừ và công bố thông tin tiếng Anh cải thiện, Việt Nam có thể được vào danh sách xem xét nâng hạng tiềm năng của MSCI vào tháng 11/2024 đến tháng 6/2025 và có thể chính thức nâng hạng năm 2026-2027.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn