Sự cố VNDirect ảnh hưởng đến nhà đầu tư thế nào?
Ngày 25/3, VNDirect đã có văn bản báo cáo về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Sự cố phát sinh lúc 10 giờ ngày 24/3 tại DC Fornix Duy Tân. Hệ thống công nghệ thông tin của VNDirect đã bị tấn công hạ tầng ảo hóa bởi tổ chức hacker quốc tế, dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của Công ty tạm thời không đăng nhập được.
Việc ứng dụng (app) hay website của VNDirect bị “sập” khiến nhiều nhà đầu tư không thể giao dịch, phát sinh tâm lý hoang mang, đặc biệt là những nhà giao dịch ngắn hạn, lướt sóng, nhà đầu tư đang ký quỹ hoặc những nhà đầu tư đang cần rút tiền. Thậm chí, không ít nhà đầu tư lo lắng về tài sản của mình tại VNDirect có thể “bốc hơi” giống như toàn bộ dữ liệu trên VNDirect mấy ngày nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự cố cục bộ, không ảnh hưởng đến toàn thị trường.
Đại diện VNDirect cho biết, để khắc phục sự cố, sáng 25/3, Công ty đã phối hợp với các đối tác (FPT, Viettel) để xử lý, khắc phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng. Công ty khẳng định sự cố này làm gián đoạn hoạt động giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến trạng thái tài sản trên tài khoản chứng khoán của khách hàng.
Theo VNDirect, ảnh hưởng đối với thị trường, khách hàng, hệ thống giao dịch và hệ thống khác có liên quan, khách hàng không đăng nhập để thực hiện được giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, Công ty khẳng định chưa phát sinh thiệt hại.
“Công ty đã bắt đầu làm chủ lại hệ thống và tăng tốc trong việc khôi phục. Tuy nhiên, do lượng dữ liệu quá lớn nên hệ thống xử lý mất thời gian hơn nhiều so với dự kiến ban đầu", VNDirect thông báo và cho biết, đang chuẩn bị các phương án để có các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn sắp tới.
Trong ngày 25/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect với HNX, HOSE kể từ ngày 25/3 cho đến khi Công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố.
Đánh giá về động thái này của HNX và HOSE, ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT Azfin Việt Nam cho rằng, đây là việc làm cần thiết của cơ quan quản lý để đảm báo tránh những mất mát có thể xảy ra đối với nhà đầu tư và cả VNDirect.
“HNX và HOSE kịp thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect sẽ giúp nhà đầu tư bị tổn thất trong trường hợp hệ thống chưa ổn định, việc vào lệnh nếu gặp sự cố có thể gây thiệt hại rất nhiều”, ông Phục khẳng định.
Sau khi sự cố VNDriect xảy ra, UBCKNN cũng đã ngay lập tức có công văn cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến gửi tới các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Trước đó, năm 2015, VNDirect cũng xảy ra sự cố công nghệ thông tin, khiến hệ thống giao dịch “bị đơ”, làm gián đoạn giao dịch của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự cố này chỉ xảy ra trong một ngày, không kéo dài như thời điểm hiện tại.
Thực tế, trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nổi bật đối với các sàn chứng khoán. Nên việc một công ty chứng khoán ở Việt Nam bị tin tặc tấn công là chuyện khó tránh. Đây cũng là bài học kinh nghiệp để các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng cường công tác an ninh mạng, đầu tư mạnh mẽ hơn vào bảo mật hệ thống.
Có thể kể đến sự cố Sàn chứng khoán New Zealand (NZX) khi vào tháng 8/2021, NZX đã phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS), khiến sàn giao dịch phải ngừng hoạt động trong 4 ngày.
Hay vào năm 2010, tin tặc đã xâm nhập vào mạng lưới của Nasdaq và có thể di chuyển không bị phát hiện trong nhiều tháng, đồng thời cài đặt phần mềm độc hại nhằm gây rối loạn hệ thống giao dịch. Năm 2016, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống EDGAR, nơi lưu trữ các tài liệu tài chính quan trọng....
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn