Sự phục hồi của cổ phiếu ngành bia rượu có bền?

Theo quan sát, từ cuối tháng 5 đến nay, nhóm cổ phiếu ngành bia rượu bắt đầu giao dịch tích cực hơn gây chú ý trên thị trường chung.

Đồng loạt "lên tiếng"

Điển hình, trong phiên 5/6 vừa qua, cổ phiếu SAB của Sabeco bất ngờ tăng trần, trong tình trạng "trắng bên bán", dư mua giá trần hàng triệu đơn vị, trở thành đầu kéo tích cực nhất cho VN-Index.

Từ đáy lịch sử vào trung tuần tháng 4, thị giá SAB đã tăng 25%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng 16.800 tỷ trong khoảng một tháng rưỡi, lên mức 82.600 tỷ đồng (~3,4 tỷ USD). Dù vậy, thị giá cổ phiếu vẫn cách rất xa đỉnh đạt được cuối năm 2017.

Đà tăng này của SAB đi cùng với kết quả kinh doanh khá tích cực của doanh nghiệp. Quý I/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ (tương ứng tăng 15,6%) so với cùng kỳ năm ngoái, giúp doanh nghiệp chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp doanh thu tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 6% so với quý trước, kết thúc chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

-1182-1717664507.jpg

Cổ phiếu bia rượu tăng giá khá tốt trong thời gian gần đây.

Tương tự, cổ phiếu BHN của Habeco cũng tăng kịch trần, sau quãng dài miệt mài dò đáy. Đà tăng mạnh bất ngờ này đã giúp thị giá cổ phiếu leo lên mức cao nhất trong 7 tháng qua. Việc thị giá BHN tăng kịch trần là điều hiếm khi xảy ra. Lần gần nhất, cổ phiếu này tăng hết biên độ trên HoSE đã cách đây gần 3 năm, vào ngày 14/9/2021.

Nhìn rộng hơn, cổ phiếu BHN đã rục rịch tăng tốc 10% trong một tuần qua, vốn hóa thị trường cũng tăng thêm tương ứng gần 1.000 tỷ đồng lên sát 9.500 tỷ đồng. Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này èo uột với vài nghìn đơn vị, phiên tăng kịch trần 5/6 cũng chỉ có gần 40.000 đơn vị được "sang tay".

Tuy nhiên, “sức khỏe” của đại gia ngành bia phía Bắc vẫn kém khả quan. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 7% so với năm trước, xuống còn 7.900 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 355 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2022 và là mức thấp thứ 2 kể từ khi lên sàn chứng khoán, chỉ cao hơn con số năm 2021.

Khép lại quý I/2024, doanh thu thuần của Habeco đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Habeco lại lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ lớn nhất trong 4 năm, kể từ quý I/2020.

Phiên 5/6 còn có một số mã cổ phiếu khác của các doanh nghiệp ngành bia rượu niêm yết trên HNX và UPCoM tăng trần như: HAV (Rượu Hapro), SBL (Bia Sài Gòn – Bạc Liêu), BQB (Bia Hà Nội – Quảng Bình).

Đáng chú ý, tính đến phiên 6/6, cổ phiếu HAV đã ghi nhận chuỗi tăng giá 8 phiên liên tiếp cùng nhiều phiên tăng trần, trong đó có tới 4 phiên tăng trần liên tiếp (3-4-5-6/6). Chỉ sau 8 phiên giao dịch, thị giá HAV đã tăng tới 110%; còn cổ phiếu BBQ cũng có 2 phiên tăng trần liên tiếp (5-6/6).

Rủi ro vẫn kéo dài

Nhìn chung, trong quý I/2024, hầu hết doanh thu của doanh nghiệp ngành bia tăng trưởng, nhưng dưới nhiều áp lực mà lợi nhuận bị bào mòn dẫn đến tăng trưởng nhẹ, thậm chí có công ty vẫn báo lỗ.

Tuy nhiên, với triển vọng kinh doanh tăng trưởng và kỳ vọng doanh nghiệp hưởng lợi từ các hoạt động thể thao lớn là Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) 2024 và Thế vận hội Mùa hè 2024 đều sắp diễn ra, là các yếu tố chính hỗ trợ giá cổ phiếu, đưa dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu ngành bia rượu.

Đó là trong ngắn hạn, còn về dài hạn, Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Các chuyên gia FNS đánh giá, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn của nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia.

Tương tự, SSI Research vẫn duy trì quan điểm thận trọng với triển vọng trong năm 2024 do: Mức tiêu thụ tiếp tục bị ảnh hưởng với lo ngại siết chặt quy định nồng độ cồn khi lái xe; tốc độ thay đổi thói quen của người tiêu dùng chậm hơn; và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể.

Do đó, SSI Research nhận định các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.

Theo Mirae Asset, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu, bia. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước. Hơn nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới vẫn đang được xem xét, có khả năng làm tăng giá bán sản phẩm khi áp dụng, hoặc ít nhất có thể gây khó khăn cho các hãng bia trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận (nếu muốn giữ giá bán ổn định).

Riêng về Sabeco, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng doanh nghiệp có thể gặp nhiều thách thức trong thời gian tới khi sản lượng tiêu thụ bia yếu hơn dự kiến; chi phí cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi (AP) cao hơn do cạnh tranh gay gắt; chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn; thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn.

Theo VCSC, tăng trưởng tiêu thụ bia có thể chậm lại trong giai đoạn 2026-2027 do thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn và theo sau là sự phục hồi vào năm 2028. Khả năng cao, Sabeco sẽ chuyển một phần thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn cho người tiêu dùng.

"Sabeco có thể hạ giá bán (giá trước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt) trong năm 2026, điều này bị ảnh hưởng một phần bởi giả định của chúng tôi về việc tăng giá trong năm 2026 (sau khi duy trì giá bán ổn định trong giai đoạn 2024-2025)", Vietcap nêu quan điểm.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn