Sửa luật để phát huy tính tự chủ, doanh nghiệp nhà nước cũng muốn "quyền tự quyết"
Tiếp tục toạ đàm về lấy ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được tổ chức vào ngày 22/8/2024, ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN là tập đoàn kinh tế lớn, nên việc sửa đổi luật chắc chắn sẽ có những tác động đến toàn bộ hoạt động công ty mẹ và các công ty thành viên.
Theo ông Sơn, việc hoàn thiện các quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhà nước chủ động, tránh vướng mắc, không bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính.
Hơn nữa, dẫn lại một sự kiện mới đây là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo ông Dương Mạnh Sơn, một trong những lý do chưa công nhận là sự tác động của Chính phủ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, với những lo ngại về sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác.
Nhưng chia sẻ cụ thể về vấn đề này, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) nêu, các doanh nghiệp nhà nước mới chính là đối tượng đang bị cơ quan quản lý áp đặt nhiều quy định. PVOIL hiện có hơn 80% vốn của PVN, là công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, nên không chỉ tuân thủ theo quy định của Luật số 69 mà còn phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp, các quy chế nội bộ công ty và nghị quyết của đại hội đồng quản trị.
Dẫn ví dụ, ông Dương cho biết, năm 2022 có cuộc khủng hoảng về nguồn cung và giá xăng dầu trước biến động thị trường sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá phụ phí nhập khẩu tăng cao trong khi giá xăng dầu trong nước chưa điều chỉnh kịp thời. Tình hình này khiến các doanh nghiệp tư nhân khan hàng, cây xăng đóng cửa nên Chính phủ đã chỉ đạo PVOIL phát huy nhiệm vụ chính trị, phải mở cửa hàng phục vụ, dẫn đến sản lượng bán hàng tăng gấp 3 nhưng càng bán thì càng lỗ.
Vì thế, ông Cao Hoài Dương cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước không được ưu ái, thậm chí có nhiều thua thiệt so với nhiều doanh nghiệp tư nhân khi họ có quyền tự quyết, "thấy lãi thì làm, lỗ thì nghỉ" cùng nhiều quy định về kinh doanh thông thoáng hơn.
Với những vấn đề này, lãnh đạo PVOIL và PVN cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần cải thiện và làm rõ về vấn đề trên, để thực sự có sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, theo ông Dương Mạnh Sơn, các quy định hướng tới việc giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo toàn vốn nhà nước trong hoạt động doanh nghiệp, nhưng cần quy định rõ trong bối cảnh thị trường thực tế còn nhiều biến động như hiện nay, doanh nghiệp cũng có lúc thua lỗ thì cần chế tài phù hợp.
Đồng quan điểm, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP đề nghị các quy định tại dự thảo Luật cần đảm bảo thống nhất với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Cũng như đảm bảo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác và giúp phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ông Trần Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng bày tỏ nhất trí tinh thần của dự án Luật là bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp; từ đó cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Cùng với những vấn đề trên, liên quan đến phân phối lợi nhuận sau thuế, đại diện BSR kiến nghị việc phân phối lợi nhuận cần giao lại cho doanh nghiệp quyết định để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam đề nghị giữ nguyên như các quy định hiện hành tại Nghị định số 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Về phân cấp đầu tư của doanh nghiệp cấp 2, theo dự thảo, các hoạt động đầu tư như thẩm quyền phê duyệt đầu tư, chủ trương đầu tư... phải báo cáo và xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu, nhưng đại diện BSR kiến nghị các nội dung này giao cho doanh nghiệp thực quyết định theo Luật Doanh nghiệp, điều lệ và các quy định quản trị nội bộ của doanh nghiệp.
Từ những ý kiến của doanh nghiệp, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính và ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, đầy đủ, để hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội, với kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn