Sữa Quốc tế (IDP) muốn vay tối đa 2.100 tỷ đồng
Mới đây, HĐQT CTCP Sữa Quốc tế LOF (tên cũ là Sữa Quốc tế IDP – Mã: IDP) đã thông qua phương án vay vốn, phát hành bảo lãnh, phát hành thư tín dụng (LC) với hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Sữa Quốc tế cho biết, mục đích vay vốn là để bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, LC phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa trong giai đoạn 2024-2025.
Tính đến cuối quý II, tổng nợ vay của Sữa Quốc tế khoảng 1.253 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với gần 1.045 tỷ đồng. Số tiền lãi mà Sữa Quốc tế phải trả trong 6 tháng là gần 16 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, công ty đi vay thêm 1.651 tỷ đồng, đồng thời trả nợ gốc vay 1.174 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, Sữa Quốc tế ghi nhận 3.514 tỷ đồng doanh thu thuần, 511 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 5%, 15% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Sữa Quốc tế đặt mục tiêu doanh thu 7.800 - 8.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 850 - 950 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 54% kế hoạch lợi nhuận ở mức cao.
Hồi tháng 7, Sữa Quốc tế chính thức đổi tên sau 20 năm thành lập. Đồng thời, trụ sở chính của công ty sẽ được chuyển từ huyện Ba Vì, Hà Nội đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Trong kế hoạch phát triển, nhà máy mới của công ty là Bàu Bàng sẽ chính thức vận hành vào đầu năm 2025, với quy mô và công suất lớn lên đến 300.000 tấn sản phẩm/năm.
Ngoài Bàu Bàng, công ty hiện sở hữu hai nhà máy ở Ba Vì và Củ Chi với tổng công suất cũng lên đến 300.000 tấn sản phẩm/năm.
Về dài hạn, công ty sữa này đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ USD. Tại lễ công bố đổi tên công ty, ông Bùi Hoàng Sang - Tổng giám đốc chia sẻ: “Với nỗ lực và tầm nhìn mới, tôi hy vọng 5 năm tới, doanh số của LOF sẽ lên gấp đôi và dài hạn là có thể lọt vào danh sách công ty Việt đạt doanh thu tỷ USD”.
Xem thêm tại vietnambiz.vn