Năm 2024, Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 210 tỷ đồng
Quý I/2024, Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.969 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 73,5 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 39,24 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, Công ty đã có một năm 2023 kém tích cực, với doanh thu đi ngang, đạt hơn 8.706 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 134,8 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với thực hiện của năm 2022.
Phân bón Bình Điền cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế nói chung và ngành sản xuất - kinh doanh phân bón nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xung đột Nga- Ukraine kéo dài dẫn đến thị trường quốc tế có nhiều biến động, giá nguyên vật liệu đầu vào bất ổn, chi phí vận tải vẫn ở mức cao… gây khó khăn cho công tác quản trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Công ty. Bên cạnh đó, Trung Quốc mở cửa thị trường sau khoảng thời gian áp dụng chính sách Zero Covid làm cho thị trường phân bón trong nước bị xáo trộn, giá cả phân bón liên tục giảm, đại lý bạn hàng không dám nhập hàng; thời tiết diễn biến phức tạp nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ngành phân bón, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm ngoái.
Năm 2024, dự báo tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều yếu tố bất lợi, giá nông sản, phân bón không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp, bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine…, Phân bón Bình Điền trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.
Theo đó, mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 7.137,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 210 tỷ đồng, giảm 16,8% về doanh thu nhưng tăng 7% về lợi nhuận trước thuế so với mức thực hiện trong năm 2023.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào ngày 26/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của việc sửa quy định thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của Phân bón Bình Điền, lãnh đạo Công ty cho biết, đối với sản phẩm NPK - sản phẩm chủ lực của Công ty - do đầu vào và đầu ra đều là phân bón nên ảnh hưởng không lớn như các đơn vị sản xuất urê, DAP… Tuy nhiên, luật thuế này nếu được thông qua sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, từ đó tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước.
“Luật số 71/2014/QH13 tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và gây bất lợi cho phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu”, lãnh đạo Công ty khẳng định
Các doanh nghiệp ngành phân bón, trong đó có Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đang ngóng chờ cú huých từ chính sách thuế. Trên thị trường chứng khoán, thời gian qua, nhóm cổ phiếu phân bón cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trước khi điều chỉnh vào phiên cuối tuần qua, cổ phiếu BFC đã có 6 phiên tăng điểm liên tục, trong đó có một phiên tăng trần. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/5/2024, thị giá BFC đạt 33.800 đồng/cổ phiếu.
Theo dữ liệu thống kê của Simplize, cổ phiếu BFC đã tăng hơn 100% trong vòng một năm qua.