Tác động hai chiều của việc tăng thu hút vốn ngoại đến các công ty chứng khoán

Việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền kể từ ngày 2/11 tới đây được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Ngành chứng khoán hưởng lợi

Ngày 18/9/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được ban hành, cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền.

-8013-1727256626.jpg

Ngành chứng khoán được đánh giá hưởng lợi trực tiếp từ Thông tư 68/2024/TT-BTC.

Trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi. Việc này dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền từ việc bán chứng khoán được thanh toán trước khi thực hiện các giao dịch mua tiếp theo.

Theo quy định của Việt Nam, tiền từ việc bán cổ phiếu chỉ được thanh toán và có thể tái đầu tư vào sáng ngày T+2.

Đánh giá về tác động của Thông tư, Chứng khoán VNDirect cho rằng TTCK Việt Nam có khả năng thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Theo VNDirect, 3 tác động đến từ việc chấp thuận đặt lệnh không cần đủ tiền đối với TTCK Việt Nam gồm: Thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế; kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam; và cải thiện thanh khoản thị trường.

“Ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Thông tư 68/2024/TT-BTC nhờ tiềm năng gia tăng phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, giúp gia tăng thu nhập từ mảng môi giới”, VNDirect nhận định.

Theo đó, các CTCK quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Hơn nữa, nếu như trước đây, yêu cầu đủ tiền trước khi giao dịch là một trong những nút thắt chính ngăn cản TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì Thông tư 68/2024/TT-BTC dự kiến sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các điều kiện cốt yếu để nâng hạng.

Nhờ đó, dòng vốn nước ngoài dự kiến sẽ đổ vào các cổ phiếu Việt Nam. Dự báo thanh khoản thị trường gia tăng và cổ phiếu chứng khoán sẽ là nhóm được hưởng lợi lớn nhất từ việc này.

Theo BVSC, các mã cổ phiếu dự kiến sẽ được mua mạnh khi Việt Nam được nâng hạng trong đó có các cổ phiếu nhóm chứng khoán như SSI, VND và VIX với giá trị mua thêm dự đoán từ 97 triệu USD đến 159 triệu USD cho mỗi mã.

SSI Research cho rằng, các cổ phiếu nhóm chứng khoán như SSI, VND và VCI có thể thu hút dòng tiền lớn khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây đều là những cổ phiếu bluechip đầu ngành nhưng chưa kín room ngoại. Tuy nhiên, bộ phận phân tích này không đưa ra con số cụ thể.

Còn Mirae Asset dự báo cổ phiếu của CTCK đầu ngành là SSI được hưởng lợi lớn nếu TTCK Việt Nam nâng hạng thành công.

Rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những lợi ích, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 sau khi mua. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các CTCK phải bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường.

Mặc dù rủi ro này thấp khi xét đến uy tín của các tổ chức nước ngoài và mục tiêu lâu dài là duy trì đầu tư vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận.

Ngoài ra, việc tăng cường phục vụ khách hàng tổ chức nước ngoài sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các CTCK.

Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, VNDirect nhận định các CTCK sẽ cạnh tranh dựa trên những yếu tố: phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua), tổng giá trị vốn được ứng trước, và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).

Đối với yếu tố phí giao dịch, mặc dù các CTCK có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch.

Đối với yếu tố tỷ lệ cấp vốn trước, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty, nên các CTCK có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ có lợi thế rõ rệt.

“Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ làm tăng áp lực buộc các CTCK phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần”, VNDirect đánh giá.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Chứng khoán SSI đã liệt kê ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các CTCK trên thị trường.

Trước hết, các CTCK cần bổ sung nguồn lực về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Hiện tại, đa số các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị rủi ro của các CTCK phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS (chỉ số đo lường trải nghiệm khách hàng) hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm “day trading” (kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn) hay short sell (bán khống) được vận hành.

Cùng với đó, phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài. Một điểm trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới. Các CTCK hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo nghiên cứu phân tích bằng tiếng Anh và dịch vụ “corporate access”.

Cuối cùng, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn