Tác động trái chiều của căng thẳng Biển đỏ với doanh nghiệp Việt
Kênh đào Suez (nối liền Biển Đỏ) là tuyến đường biển nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu, đặc biệt quan trọng trong việc vận chuyển dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Dữ liệu ghi nhận kênh đào Suez có khoảng 10 % thương mại toàn cầu (17.000 tàu/năm) đi qua mỗi năm.
Giới chuyên gia đánh giá căng thẳng Biển Đỏ làm tăng rủi ro cho dòng chảy thương mại toàn cầu và làm tăng thêm chi phí cho lĩnh vực vận tải biển. Dữ liệu cho thấy chỉ số giá cước vận chuyển container đến Trung Quốc hiện đã tăng mạnh 124% so với trước đó, tương tự những gì đã xảy ra trong 2021. Theo quan điểm của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đây là các yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam trên sàn chứng khoán như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH), CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (HoSE: VSC) và CTCP Gemadept (HoSE: GMD).
Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ có thể làm tăng giá dầu, khí đốt do 10% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí LNG được vận chuyển qua kênh Suez (số liệu theo Clarksons); dầu vận chuyển đến châu Á bị chậm giao, ảnh hưởng nguồn cung; và làm tăng phí bảo hiểm chiến tranh đối với việc vận chuyển hàng hóa. Nếu xung đột mở rộng sang eo biển Hormuz, gần Iran thì mức độ ảnh hưởng sẽ tăng hơn nữa.
Trong quá khứ, đã có nhiều lần Iran có các hành động đe dọa và tấn công các tàu chở hàng qua Eo biển Hormuz (gần Biển Đỏ) và 2 lần gần nhất đều làm giá dầu Brent tăng như tháng 12/2011 (tăng 18%) và 7/2028 (tăng 15%).
Việc giá dầu neo cao sẽ tác động tích cực tới một số doanh nghiệp dầu khí như PVD, PVS, GAS, CNG.
Ngoài ra, sự cố Biển Đỏ cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container rỗng trong khi nhu cầu sử dụng container từ Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn ở mức cao. Giá cước vận chuyển container từ Thượng Hải đến các thành phố lớn ở châu Âu và Mỹ đều tăng từ 8-25% trong 1 tháng qua. Chỉ số Container Thế giới của Drewry (DWCI) tăng 15% lên 3.072 USD/container 40ft trong tuần này và tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp được Yuanta Việt Nam dự báo sẽ hưởng lợi như HAH, VSC và mảng container của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).
Lĩnh vực khác cũng được dự báo hưởng lợi là hàng không Việt Nam. Theo dữ liệu của Xeneta, giá cước giao ngay hàng hóa bằng đường hàng không trung bình toàn cầu đã đạt đỉnh 2,6 USD/kg vào tháng 12/2023. Tuy vậy, Yuanta Việt Nam cũng lưu ý ảnh hưởng này sẽ không đáng kể.
Chiều ngược lại, Yuanta Việt Nam nhận định sự gia tăng trong chi phí vận chuyển có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Châu Âu. Theo đó, các hãng tàu vận chuyển đã tăng phí do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và buộc họ phải điều chỉnh lộ trình, kéo dài thời gian vận chuyển. Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cho rằng mức độ tác động đến cả ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam là không lớn do giá trị xuất nhập khẩu sang châu Âu chiếm chỉ chiếm 15% tổng giá trị xuất nhập khẩu, không quá lớn.
“Mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang châu Âu như dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện có thể chịu ảnh hưởng do sự kết hợp giữa thời gian giao hàng kéo dài và giá cước tăng, chi phí bảo hiểm tăng, tạo ra rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang châu Âu nếu tình hình căng thẳng kéo dài”, Yuanta Việt Nam nhìn nhận.
Xem thêm tại nhadautu.vn