Tài chính tuần qua: Người dân TP.HCM gửi tiết kiệm hơn 1,4 triệu tỷ đồng, sắp có ngân hàng sở hữu vốn chủ sở hữu đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Người dân TP.HCM đang gửi tiết kiệm hơn 1,4 triệu tỷ đồng; Việt Nam sắp có ngân hàng sở hữu vốn chủ sở hữu đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng; Một doanh nghiệp buôn thực phẩm vừa chi hàng trăm tỷ mua cổ phần ngân hàng VIB; Các ngân hàng trên sàn có hơn 253.000 tỷ đồng nợ xấu: LPBank và MB tăng mạnh nhất, BIDV và VPBank tiếp tục đứng đầu về quy mô, …

Tài chính tuần qua: Người dân TP.HCM gửi tiết kiệm hơn 1,4 triệu tỷ đồng, sắp có ngân hàng sở hữu vốn chủ sở hữu đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Người dân TP.HCM đang gửi bao nhiêu tiền tiết kiệm tại ngân hàng?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2024, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8%-38% trong tổng tiền gửi.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định và là tiền gửi tiết kiệm của người dân. Vì vậy việc khai thác và sử dụng bộ phận nguồn vốn này để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với nhiệm vụ ngành Ngân hàng và hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng.

Xem thêm tại đây

Việt Nam sắp có ngân hàng sở hữu vốn chủ sở hữu đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng vốn chủ sở hữu của 27 ngân hàng trên thị trường chứng khoán vào cuối tháng 9 đạt gần 1,433 triệu tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng, tương đương 10,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận sự gia tăng về vốn chủ sở hữu trong 9 tháng đầu năm 2024.

2.jpeg

Dẫn đầu hệ thống ngân hàng hiện nay là Vietcombank với mức vốn chủ sở hữu đạt 190.297 tỷ đồng, tăng 25.284 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Vietcombank có mức tăng quy mô vốn chủ sở hữu mạnh nhất hệ thống khi ngân hàng này là quán quân về lợi nhuận toàn ngành trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế 25.283 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Riêng quý 3, Vietcombank lãi sau thuế gần 8.600 tỷ đồng, tăng gần 18%.

Vietcombank liên tục dẫn đầu về quy mô vốn chủ toàn ngành ngân hàng nhờ khả năng tạo ra lợi nhuận tốt nhất hệ thống. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng không chia cổ tức tiền mặt trong những năm gần đây nhằm nâng cao nền tảng vốn, phục vụ hoạt động kinh doanh.

Với mức lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/quý và chiến lược không trả cổ tức tiền mặt, vốn chủ sở hữu của Vietcombank sẽ sớm chạm ngưỡng 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Xem thêm tại đây

Một doanh nghiệp buôn thực phẩm vừa chi hàng trăm tỷ mua cổ phần ngân hàng VIB

Theo Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Quang Kim (Công ty Quang Kim) đã có báo cáo về việc mua vào 17,2 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB). Giao dịch được thực hiện vào ngày 11/11.

3.jpg

Trong phiên giao dịch 11/11, giá cổ phiếu VIB dao động trong khoảng 18.050 – 18.400 đồng/cp. Ước tính theo giá trung bình (18.225 đồng/cp), Công ty Quang Kim đã chi ra khoảng 313 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Xem thêm tại đây

Các ngân hàng trên sàn có hơn 253.000 tỷ đồng nợ xấu: LPBank và MB tăng mạnh nhất, BIDV và VPBank tiếp tục đứng đầu về quy mô

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 9 ở mức 253.479 tỷ đồng, tăng 56.160 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 28,5%). Số nợ xấu trên hiện chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng.

Riêng trong quý 3, nợ xấu của các ngân hàng trên đã tăng thêm 13.479 tỷ đồng, tương đương tăng 5,6%.

no-xau-la-gi.jpg

Đứng đầu về quy mô nợ xấu là BIDV với số dư đến cuối tháng 9/2024 ở mức 33.386 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, với dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ ở mức 1,71%.

VPBank hiện đứng thứ hai với số dư nợ xấu ở mức 30.532 tỷ đồng, chiếm 4,81% tổng dư nợ cho vay khách hàng. So với cuối năm 2023, số dư nợ xấu của VPBank chỉ tăng thêm 7,4% - thấp hơn nhiều so với bình quân toàn ngành. Riêng trong quý 3, ngân hàng này đã giảm được gần 1.200 tỷ đồng nợ xấu.

Xét về tốc độ tăng, LPBank là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm. Sau 3 quý vừa qua, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm 70% lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay lên 1,96% từ mức 1,34% ghi nhận hồi đầu năm. Trong đó, nợ xấu tăng lên chủ yếu đến từ nhóm nợ có khả năng mất vốn, từ 1.169 tỷ đồng lên 2.717 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 132%.

Cùng với LPBank, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận số dư nợ xấu tăng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm như MB (tăng 60%), Nam A Bank (tăng 56,3%), BVBank (tăng 55,7%), BacABank (tăng 50,1%), BIDV (tăng 49,3%), ACB (tăng 40,6%), VietinBank (tăng 39,8%),...

Xem thêm tại đây

NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm, giá USD liên ngân hàng tiến gần ngưỡng can thiệp

Phiên giao dịch 15/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 8 đồng lên mức cao mới 24.298 VND/USD. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của tỷ giá trung tâm với tổng mức tăng từ đầu tuần đến nay là 35 đồng.

5.jpeg

Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng từ 23.083 - 25.513 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá mua - bán USD được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 14/11 ở mức 25.400 VND/USD, tăng 57 đồng so với phiên 13/11 và đưa tổng mức tăng từ đầu năm lên hơn 4,7%. Như vậy, tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn thấp hơn giá bán can thiệp của NHNN khoảng 50 đồng. Thông thường, khi tỷ giá liên ngân hàng vượt giá bán can thiệp, các nhà băng sẽ bắt đầu mua USD từ Nhà điều hành.

Xem thêm tại đây

Xem thêm tại markettimes.vn