Tài chính Xanh: Làm gì để huy động vốn hiệu quả qua kênh trái phiếu?
Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm và giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động Kinh tế Xanh và bảo vệ môi trường.
Quốc hội, Chính phủ luôn bố trí chi cho sự nghiệp môi trường (không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước), góp phần phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia.... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần huy động nguồn lực Tài chính Xanh từ thị trường tài chính phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, Tăng trưởng Xanh và bền vững.
Nhiều ưu đãi cho Trái phiếu Xanh
Theo thông lệ và xu hướng quốc tế, việc huy động vốn trên thị trường Tài chính Xanh chủ yếu thông qua kênh Trái phiếu Xanh. Theo đó, Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ phát hành Trái phiếu Xanh để huy động nguồn vốn phục vụ việc triển khai các dự án hướng đến Tăng trưởng Xanh và Bền vững.
Theo báo cáo từ Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, trong những năm qua, thị trường Trái phiếu Xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Singapore...). Cụ thể, Trái phiếu Xanh được phát hành với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (như giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lí nước, rác thải).
VN cần xây dựng chiến lược phát triển phục hồi bền vững, nếu không thì những nỗ lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế bổ sung thập kỷ tới khoảng hàng tỷ USD có thể bị xóa sạch bởi những cú sốc tự nhiên.
Tại Việt Nam, khung pháp lý cho phát hành Trái phiếu Chính phủ Xanh, Trái phiếu Chính quyền địa phương Xanh và Trái phiếu Doanh nghiệp Xanh đã được quy định tại văn bản cấp Luật và Nghị định. Nguồn tiền thu được từ phát hành Trái phiếu Xanh phải được hạch toán và theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Các chủ thể phát hành Trái phiếu Xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành Trái phiếu Xanh cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, các chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua Trái phiếu Xanh sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đã ban hành chính sách ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán đối với Trái phiếu Xanh. Cụ thể, giá dịch vụ đăng ký-quản lý niêm yết, giao dịch-đăng ký-hủy đăng ký một phần-lưu ký chứng khoán được giảm 50% mức giá. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành Trái phiếu Xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành sẽ được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Dù được tạo điều kiện, song thực tế sự phát triển thị trường Trái phiếu Xanh trong thời gian qua ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn.
Báo cáo của Vụ Tài chính Ngân hàng cho biết thị trường này bắt đầu hình thành vào năm 2016 khi Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 15 năm để huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (trong đó có 11 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường). Trong năm này tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ (trong đó có 1 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường).
Về Trái phiếu Doanh nghiệp Xanh, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD vào tháng 7/2022 với lãi suất 6,7%/năm, kì hạn 10 năm. Sang năm 2023, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng Trái phiếu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã phát hành Trái phiếu Xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.
Theo Ngân hàng Thế giới, với nhu cầu vốn xấp xỉ 70 tỷ USD cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực đến năm 2030, Việt Nam cần phát huy lợi thế nội lực đồng thời huy động từ bên ngoài.
Nhìn ra quốc tế, Phó Chủ tịch phụ trách, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Nhữ Thăng chia sẻ thị trường Trái phiếu Xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia...
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý cũng như các bước đi đồng bộ, có hệ thống đã góp phần giúp quốc gia này đạt được những kết quả tích cực. Năm 2016, Trung Quốc là một trong những nhà phát hành Trái phiếu Xanh lớn nhất thế giới với giá trị phát hành 37 tỷ USD, chiếm 40% giá trị phát hành toàn cầu. Đến năm 2021, Trung quốc đã phát hành trong nước và quốc tế đạt 109,5 tỷ USD Trái phiếu Xanh, tái khẳng định thị trường lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường Trái phiếu Xanh đã góp phần đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, vận tải và bảo vệ môi trường, mở đường cho quá trình chuyển đổi của đất nước này sang nền Kinh tế Xanh, ít carbon.
Làm gì để Trái phiếu Xanh "bung lụa"?
Để Trái phiếu Xanh phát huy hiệu quả, ông Vũ Nhữ Thăng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Trái phiếu Xanh bởi các quy định hiện thời chưa thực sự cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan. Điều này gây khó khăn trong tạo lập và nâng cao niềm tin của các bên tham gia thị trường trái phiếu.
Một vấn đề vướng mắc về pháp lý khác được ông Thăng chỉ ra Việt Nam chưa có danh mục các dự án được cấp Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh.
Ông Arne Fraemk, Trưởng nhóm hợp phần Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể về huy động nguồn lực tài chính và kế hoạch, chính sách đối với từng công cụ, nguồn tài chính, đặc biệt đối với các nguồn Tài chính Xanh quốc tế Việt Nam đã có kết nối (như Quỹ khí hậu xanh, Cơ chế JETP61).
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về các công cụ nợ. Trong đó chú trọng đến phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn cho các giải pháp biến đổi khí hậu do Chính phủ, ngân hàng, địa phương, doanh nghiệp phát hành và dán nhãn Trái phiếu Xanh dưới dạng chứng khoán nợ (bao gồm chứng khoán hóa, phát hành riêng lẻ, trái phiếu đảm bảo). Các chính sách về thuế phí cần xây dựng theo hướng tăng cường các nỗ lực khí hậu, theo hướng giảm dần hoặc loại bỏ ưu đãi thuế, phí đối với những ngành nghề có tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường, thúc đẩy Đầu tư Xanh…
Ông Arne Fraemk nhấn mạnh rất cần thiết phải có chính sách hỗ trợ điều phối phân bổ tài chính, trợ cấp hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng dựa trên điều kiện phát triển và khả năng đáp ứng của từng bên thụ hưởng. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ xác định định hướng huy động nguồn lực cho các thành phần, khu vực kinh tế thông qua giám sát, đánh giá, Xếp hạng Xanh và định hướng tài chính công để không cản trở các dòng tài chính khác.
Tuy nhiên, ông Arne Fraemk đặc biệt lưu ý việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phòng ngừa “Nguy cơ tẩy Xanh” khi triển khai các chính sách, công cụ tài chính và hỗ trợ đầu tư cho Tăng trưởng Xanh.
Về các ưu đãi, đại diện Bộ Tài chính cho hay đơn vị này đang nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ Trái phiếu Xanh trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phân loại Xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP căn cứ vào thông lệ quốc tế và thực trạng Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ cho các chủ thể phát hành lựa chọn Dự án Xanh được sử dụng vốn từ phát hành Trái phiếu Xanh.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm Trái phiếu Chính phủ Xanh tại thị trường trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm rên thị trườtng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các địa phương lựa chọn các Dự án Xanh để triển khai phát hành Trái phiếu Chính quyền địa phương Xanh và khuyến khích các doanh nghiệp phát hành Trái phiếu Doanh nghiệp Xanh để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường. Trong năm 2023-2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành Trái phiếu Doanh nghiệp Xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trong thời gian tới./.
Xem thêm tại vietnamplus.vn