Tân Cảng Sóng Thần chốt ngày phát hành cổ phiếu để tăng vốn
Theo thông báo mới nhất từ Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần (Tân cảng Sóng Thần), doanh nghiệp này sẽ phát hành khoảng 3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị khoảng 30 tỷ đồng để tăng vốn cổ phần.
Nguồn vốn phát hành sẽ lấy từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được xác định tại thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.
Đối tượng phát hành sẽ là cổ đông hiện hữu tại ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách (ngày 20/9). Số lượng cổ phiếu phát hành/số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 24,98%. Theo đó, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:24,98. Tức, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu IST sẽ có 1 quyền nhận thêm cổ phiếu, cứ 100 quyền nhận thêm cổ phiếu sẽ được thêm khoảng 24,98 cổ phiếu mới. Những cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Số lượng cổ phiếu phát hành thêm của mỗi cổ đông sẽ được làm tròn đến hàng đơn vị theo nguyên tắc làm tròn xuống. Số cổ phiếu lẻ, phần thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ, không phát hành lại.
Cổ đông lớn nhất của ICD Tân Cảng Sóng Thần là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (sở hữu 51% cổ phần). |
Cổ đông lớn nhất của Công ty là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Công ty mẹ, sở hữu 51% cổ phần). Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là dịch vụ kho, bãi và các dịch vụ đi kèm khác như: bốc xếp, nâng hạ, vận chuyển…
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo bán niên 2024 của ICD Tân Cảng Sóng Thần sau soát xét cho thấy, doanh thu từ cung cấp dịch vụ mang về 218,5 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Song, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu 2024 đạt 43,5 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 29,8 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tân Cảng Sóng Thần trong 6 tháng đầu năm 2024 là 34,8 tỷ đồng, tăng khoảng 48% so với cùng kỳ.
Tiền và các khoản tương đương tiền từ đầu kỳ đến cuối kỳ của doanh nghiệp cũng tăng từ 48,6 tỷ đồng lên 84,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ có khoảng 180 triệu, tiền gửi ngân hàng là 34,1 tỷ đồng, còn lại 50 tỷ là các khoản tương đương tiền như: tiền gửi ngân hàng có thời hạn đáo hạn ban đầu không quá 3 tháng và hưởng lãi suất từ 2,1%/năm đến 2,5%.
Doanh nghiệp đang đầu tư dài hạn vào các công ty liên kết là Công ty cổ phần tiếp vận Tân Cảng Bình Dương. Tại ngày 30/6/2024 và 31/12/2023, Công ty sở hữu 1.080.000 cổ phần, tương ứng 36% vốn điều lệ của Tân Cảng Bình Dương. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải, kho bãi.
Tiếp đến là Công ty cổ phần Maruzen Unithai Logistics Việt Nam, hiện Tân Cảng Sóng Thần đang sở hữu 48.000 cổ phần, tương ứng 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp là dịch vụ vận tải, dịch vụ đại lý hải quan, kho bãi và lưu trữ hàng hóa.
Ngoài ra, Tân cảng Sóng Thần còn ủy quyền cho Công ty mẹ (Tân Cảng Sài Gòn) đầu tư cổ phiếu vào Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Sau khi thực hiện cổ phần hóa, giá trị khoản đầu tư này được xác định lại là khoảng 6,5 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2024, số lượng cổ phiếu của MBBank mà Công ty ủy thác đầu tư là 1,3 triệu cổ phiếu.
Tiếp tục xét đến phần phải thu ngắn hạn, tổng số tiền mà Tân Cảng Sóng Thần phải thu là 57,9 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu lớn nhất là của Công ty TNHH Kimberly - Clark Việt Nam (22,6 tỷ đồng). Công ty cổ phần đầu tư thương mại phát triển Logistics Toàn Cầu, Công ty TNHH Gokce & Ayca Logistics, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kasee Việt Nam, là ba doanh nghiệp nằm trong danh sách nợ khó đòi của Tân Cảng Sóng Thần.
Xem thêm tại baodautu.vn