Tăng mức ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội
Tại cuộc họp thường kỳ 6 tháng năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà.
Đề xuất giảm lãi suất cho người mua nhà
Cụ thể, lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5 - 2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).
Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
Đối tượng vay vốn của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Bên cạnh đó, NHNN khuyến khích các ngân hàng cũng như các tập đoàn kinh tế lớn thúc đẩy cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội.
Về kết quả triển khai, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, đến nay có 34/63 tỉnh, thành công bố 78 dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được vay gói tín dụng này. Số vốn được các ngân hàng thương mại giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó cho chủ đầu tư 1.295 tỷ đồng và người vay mua nhà 4,9 tỷ đồng.
Gói tín dụng này đã được NHNN 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Nếu đề xuất được thông qua, người dân được hưởng lãi suất 6,5%/năm trong 5 năm.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Có thể thấy, việc tăng mức hỗ trợ về mặt lãi suất của NHNN đã cho thấy những nỗ lực nhằm từng bước tháo gỡ các vướng mắc dai dẳng trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Như theo Bộ Xây dựng, liên quan tới Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, số tiền các ngân hàng đã giải ngân đến thời điểm hiện tại khoảng 1.234 tỷ đồng (khoảng 1% quy mô gói tín dụng), bao gồm cho chủ đầu tư dự án vay 1.202 tỷ đồng, cho người mua nhà vay 32 tỷ đồng.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn rất chậm. Hiện nay ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) đã có thêm ngân hàng TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Đến nay số tiền cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội của 6 ngân hàng là 130.000 tỷ đồng.
Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng do mức lãi suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, mặc dù NHNN đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng vẫn còn cao và thời hạn ưu đãi ngắn (trong vòng 3 - 5 năm) nên chưa thực sự thu hút người vay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, rất khó kiếm được ngân hàng nào cho vay với lãi suất dưới 10%/năm. Với lãi suất 13% mà doanh nghiệp đang vay để làm dự án hiện nay, hoạt động kinh doanh nhiều khả năng sẽ chịu lỗ do mức giá bán hoặc cho thuê không thể cao hơn thị trường thương mại.
Bên cạnh đó, về phía người mua nhà cũng được cho cần thêm các điều kiện để vay. Như đại diện một ngân hàng chia sẻ, hiện nay người mua vẫn còn gặp những rào cản để tiếp cận nhà ở xã hội, như phải được UBND phường, xã xác nhận các điều kiện mới được vay. Điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu nhưng vẫn e dè trong việc vay vốn ưu đãi.
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần “nới lỏng” thêm các điều kiện để giúp người dân có thể tiếp cận gói vay dễ dàng hơn, từ đó kích thích nhu cầu mua nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn