Tăng tốc cho vay đảo nợ

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm đạt 6% nhưng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đến cuối tháng 5-2024 mới tăng 1,1%. Các ngân hàng thương mại đang đứng trước sức ép phải nâng chất lượng dịch vụ, tiết giảm chi phí để thu hút và giữ chân khách hàng vay vốn.

Lãi suất hấp dẫn

Vietcombank cho biết đang đẩy mạnh cho vay trả nợ trước hạn đối với khoản vay tại ngân hàng khác, với nhiều chương trình lãi suất ưu đãi từ 5,5% trong 6 tháng đầu, 5,7% trong 12 tháng đầu hoặc 6,2%/năm trong 18 tháng đầu.

Tại VPBank, khách vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác được hưởng lãi suất từ 4,6%/năm, ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Theo đó, khách hàng cá nhân đang vay vốn mua bất động sản, ô tô, vay kinh doanh thế chấp hoặc vay tiêu dùng thế chấp tại các ngân hàng khác, sử dụng tài sản bảo đảm là bất động sản, nếu có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán chi phí còn lại thì có thể vay VPBank theo gói vay tái tài trợ này.

Trong khi đó, BVBank cho biết nếu chuyển gói vay phục vụ sản xuất - kinh doanh từ ngân hàng khác về ngân hàng này, khách hàng sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ 3,49%; còn khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (mua bất động sản, xây dựng nhà…) lãi suất chỉ từ 5,49%/năm.

Một loạt ngân hàng thương mại khác cũng vừa triển khai các gói vay mua nhà ưu đãi với lãi suất rất thấp. Chẳng hạn, PVcomBank có gói tín dụng ưu đãi mua nhà với lãi suất từ 3,99%/năm. Đây có thể xem là một trong những mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện tại.

Tại SHB, ngoài lãi suất vay mua nhà dự án và nhà dân cư từ 5,79%, khách hàng có thể vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, không giới hạn số tiền vay. Cộng thêm ân hạn nợ gốc trong 24 tháng vay đầu tiên, người vay sẽ giảm áp lực tài chính trong giai đoạn đầu sở hữu nhà.

Dễ vay hơn trước

Hoạt động vay trả nợ ngân hàng khác gia tăng đã giúp dư nợ tín dụng mua nhà tại một số ngân hàng khởi sắc hơn.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2-2024 của Techcombank cho thấy dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng này đạt mức 181.700 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, bằng giai đoạn trước khi thị trường bất động sản gặp khó khăn (từ năm 2022 đến giữa năm 2023).

Hoạt động vay trả nợ ngân hàng khác gia tăng đã giúp dư nợ tín dụng mua nhà tại một số ngân hàng khởi sắc hơn

Hoạt động vay trả nợ ngân hàng khác gia tăng đã giúp dư nợ tín dụng mua nhà tại một số ngân hàng khởi sắc hơn

Đại diện TPBank thông tin mảng cho vay mua nhà dự án tại ngân hàng giảm nhưng tỉ trọng vay mua đất thổ cư lại tăng. Nhờ đó, dư nợ tín dụng chung mảng bất động sản của TPBank tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vietcombank thông tin ngay khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, Vietcombank đã triển khai nhiều chương trình lãi suất ưu đãi (cố định lãi suất từ 6 - 60 tháng), giúp người dân có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí rẻ hơn.

"Khách hàng cá nhân có chất lượng tín dụng tốt, khách hàng ưu tiên và đáp ứng các quy định nội bộ của Vietcombank có thể không cần bổ sung tài sản bảo đảm khác mà dùng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ. Chính sách này giúp rất nhiều khách vay ở Vietcombank trả nợ ngân hàng khác" - đại diện Vietcombank nhận xét.

Theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBank, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn chậm, kể cả với tín dụng mua nhà. Nguyên nhân một phần là do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự và thu nhập nên nhu cầu vay mua nhà chưa cao. Mặt khác, thị trường bất động sản hiện trầm lắng và nguồn cung căn hộ chưa nhiều...

Để thu hút khách vay và thúc đẩy tín dụng, một số ngân hàng thương mại còn triển khai những chính sách ưu đãi khác. Tại VIB, với khách hàng chuyển khoản vay cũ về ngân hàng này, ngoài lãi suất từ 5,5% trong 6 tháng đầu hoặc cố định 7,5%/năm trong 24 tháng, VIB còn thu hẹp biên độ lãi suất sau thời gian ưu đãi còn 2,9% (thay vì 3,5%-4% như các ngân hàng khác).

"Không như thông lệ trên thị trường, người dân phải tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ và rút hồ sơ tài sản thế chấp hoặc bổ sung tài sản thế chấp khác trước khi giải ngân, tại VIB, tất cả khách hàng đều được hỗ trợ giải ngân trước để tất toán. Chính sách này giúp khách hàng chủ động về tài chính, không cần bận tâm việc vay tiền để tất toán, hạn chế tối đa các rủi ro và chi phí phát sinh" - đại diện VIB khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động liên quan chính sách cho vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chính sách này được triển khai nhằm tăng sự minh bạch theo cơ chế thị trường. Người dân có thể lựa chọn ngân hàng nào có chính sách, lãi suất và chất lượng dịch vụ tốt để vay vốn. Người có nhu cầu vay vốn cũng được quyền tự đánh giá, tự tìm hiểu và so sánh lãi suất cạnh tranh giữa các ngân hàng.

"Đây là chính sách thuận lợi cho người vay. Bản thân từng ngân hàng cũng phải cải thiện để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Lãnh đạo một số ngân hàng nhìn nhận dù lãi suất cho vay ưu đãi đã rất thấp nhưng tín dụng vay mua nhà, vay tiêu dùng... chưa tăng như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do thị trường bất động sản chưa phục hồi, nguồn cung căn hộ chung cư với giá phù hợp thu nhập của người dân chưa nhiều.

Mặt khác, khi các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà không có sự cách biệt quá lớn cũng khiến người dân không mặn mà chuyển khoản vay sang ngân hàng khác.


Xem thêm tại cafef.vn