Tăng tốc để về đích trong tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi
Bước đệm quan trọng cho năm 2025
Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm “giao dịch thiếu tiền” đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư có hiệu lực bắt đầu từ ngày 02/11/2024.
Trong khi, vào ngày 8/10/2024 tới đây, tổ chức xếp hạng FTSE Russell sẽ công bố kết quả phân loại thị trường chứng khoán các nước. Do đó, để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong kỳ phân loại lần này là điều chưa chắc chắn, do Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ tháng 11/2024.
Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng cần thời gian để xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm giao dịch không cần ký quỹ 100%, trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam hay không.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS Research), có khả năng cao FTSE sẽ thêm thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và sau khoảng một năm, việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, các quỹ chỉ số ETF sẽ bắt đầu mua vào cổ phiếu Việt Nam.
Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là "thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài". Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược SSI cho rằng, hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng nhiều vào câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong năm nay, ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra. Tuy nhiên, nếu được đưa vào danh mục cổ phiếu thị trường mới nổi của FTSE, thì ước tính cũng sẽ thu hút ngay lập tức được khoảng 2 tỷ USD tiền vào.
Việc nâng hạng vào rổ chỉ số của FTSE là tiền đề, xa hơn còn là kỳ vọng được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi của MSCI. Nếu được MSCI nâng hạng sẽ là điểm hấp dẫn, khiến rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ước tính đến năm 2030, nếu Việt Nam nâng hạng thành công theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE, thị trường chứng khoán trong nước sẽ đón nhận 25 tỷ USD dòng vốn đầu tư.
Các cổ phiếu và nhóm ngành dự kiến được hưởng lợi
Được hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp nhất chính là các công ty chứng khoán, với khoản phí giao dịch thu về từ dòng vốn của các quỹ ETF và quỹ chủ động khi Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp.
Cụ thể, ACBS Research đánh giá, 3 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch khách hàng tổ chức lớn nhất bao gồm Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán SSI (HOSE: SSI), CTCP Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) và CTCP Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) sẽ được hưởng lợi từ phí giao dịch tăng thêm.
ACBS Research ước tính, dòng tiền mới từ các quỹ ETF khi Việt Nam được nâng hạng sẽ đem lại 27 tỷ đồng phí môi giới mỗi năm và tương đương mức tăng lần lượt 0,2%; 0,8% và 1,2% lợi nhuận trước thuế năm 2023 của các công ty chứng khoán này. Nhìn chung, giá trị phí giao dịch thu được từ các quỹ ETF không lớn so với quy mô lợi nhuận hiện tại của các công ty này. Tuy nhiên, các quỹ chủ động có giá trị tài sản ròng (NAV) lớn hơn, tần suất giao dịch thường xuyên hơn sẽ có đóng góp đáng kể hơn đến lợi nhuận của các công ty chứng khoán.
Về mặt rủi ro trong việc triển khai giao dịch “thiếu tiền”, theo ACBS Research, các công ty chứng khoán hiện đã đủ năng lực về vốn để áp dụng. Việc triển khai sản phẩm giao dịch “thiếu tiền” đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng sẽ đặt áp lực lên công ty chứng khoán trong việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp hơn; đồng thời, cần tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu lớn hơn để đáp ứng nhu cầu giao dịch không cần ký quỹ 100% trong tương lai.
Về cổ phiếu, ACBS nhận định, có 8 mã cổ phiếu gần như chắc chắn sẽ được thêm vào danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, bao gồm: VCB, GAS, VHM, VIC, HPG, VNM, MSN và SSI với tỷ trọng dự kiến lớn nhấn. Ngoài ra, còn nhiều mã cổ phiếu tiềm năng khác cũng có thể lọt vào danh mục nếu thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại và thanh khoản giao dịch tại thời điểm cơ cấu danh mục.
Song song với đó, việc thu hút dòng vốn quốc tế sẽ hỗ trợ cho điều kiện vĩ mô của Việt Nam cũng như làm giảm áp lực tỷ giá, tạo thuận lợi hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn