Tăng tốc số hóa, ngân hàng hái quả ngọt
Chi nghìn tỷ cho công nghệ số
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) tổ chức cuối tuần qua, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, trong năm 2023, chi phí công nghệ và hạ tầng của ngân hàng đã tăng 45,9%. Trong đó, số tiền đầu tư cho các hệ thống công nghệ thông tin và máy móc thiết bị là 1.598 tỷ đồng. Nhiều hệ thống mới đã được đưa vào sử dụng như: phần mềm Techcombank mobile, online banking, iDO, Corporate Omni Channel, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM, phần mềm phê duyệt tín dụng cho khách hàng DN, phần mềm Data Lake giúp đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các dịch vụ, trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Bên cạnh đó, Techcombank vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin khác với số tiền 605 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống công nghệ nền tảng, song song với việc xây dựng đội ngũ nguyên gia công nghệ ngày càng tăng về chất lượng và số lượng. Từ năm 2021, VIB đã triển khai chiến lược và dự án điện toán đa đám mây (multi-cloud) thông qua ký kết hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu, lưu trữ dữ liệu lớn và khai thác tối ưu. Năm 2023, VIB bắt đầu dự án core banking (ngân hàng lõi), giúp nâng cao tốc độ xử lý, bảo mật thông tin cũng như tối ưu hóa và trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng cũng như số lượng khách hàng, sản phẩm và giao dịch qua kênh ngân hàng số trong tương lai.
Lãnh đạo VIB cho biết, năm 2023, VIB đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án công nghệ trọng điểm. Năm 2024, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư triển khai dự án lớn tiếp theo là core banking chạy trên nền tảng đám mây (Cloud).
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2023, nhiều giải pháp hiện đại cũng đã được hoàn tất đầu tư và đưa vào vận hành như: dự án phòng chống tội phạm, gian lận tài chính và rửa tiền; dự án phòng chống, giám sát và quản lý gian lận giao dịch đa kênh; dự án chuyển đổi nền tảng công nghệ ngân hàng số OCB OMNI qua giải pháp ngân hàng số. Tiếp đó, trong năm 2024, OCB dự kiến sẽ ra mắt nền tảng ngân hàng số mới New OMNI 4.0, thúc đẩy Open Banking, số hóa quy trình và mở rộng ứng dụng công nghệ dữ liệu vào các lĩnh vực hoạt động.
Đảm nhiệm vai trò chủ lực trong phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số và các dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Giai đoạn 2022-2023, Agribank đã triển khai giải pháp Ngân hàng mở (Open API hướng tới Open Banking), giúp mở rộng đáng kể tập khách hàng thông qua việc cung cấp kết nối dịch vụ cho rất nhiều khách hàng mới thông qua mạng lưới khách hàng sẵn có của đối tác.
Tới thời điểm hiện tại, Agribank đã có đầy đủ khả năng triển khai các gói sản phẩm Open API về ERP doanh nghiệp và ví cá nhân, ví doanh nghiệp, sổ phụ phục vụ đối soát, chi hộ, QR thanh toán hoá đơn liên ngân hàng… tới gần 20 đối tác là các tổng công ty, tập đoàn, các ví điện tử, trung gian thanh toán. Agribank cũng chú trọng hoàn thiện các hệ thống an ninh thông tin, các quy trình về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho ngân hàng và khách hàng, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Tăng trưởng ấn tượng
Những nỗ lực số hóa cùng việc mạnh tay đầu tư cho hạ tầng công nghệ đã mang về cho các ngân hàng nhiều kết quả tích cực. Theo ông Jens Lottner, việc thu hút khách hàng thông qua kênh kỹ thuật số đã thúc đẩy tăng trưởng số lượng khách hàng của Techcombank, với khoảng 1,2 triệu khách hàng mới tham gia trực tiếp thông qua nền tảng số. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập CIR cũng được ước tính thấp hơn khoảng 15 điểm phần trăm khi được thực hiện thông qua kênh kỹ thuật số so với mô hình ngân hàng truyền thống tại chi nhánh.
Tương tác số với khách hàng cũng tăng mạnh với 94% giao dịch cá nhân trong năm được thực hiện qua kênh số và mức đăng nhập của khách hàng tiếp tục tăng sau khi tất cả khách hàng đã được chuyển hoàn toàn sang nền tảng kỹ thuật số mới của Techcombank, đạt tới khoảng 50 lượt đăng nhập/người/tháng vào cuối năm. “Đây là một mức rất cao, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới” – ông Jens Lottner nhìn nhận. Đến cuối năm 2023, tất cả 8,5 triệu khách hàng cá nhân e-banking của ngân hàng đều sử dụng ứng dụng Techcombank Moblie, ngân hàng cũng thực hiện các bước nhằm nâng cao hơn nữa ứng dụng ngân hàng di động cho DN, số lượng khách hàng sử dụng nền tảng tăng 55% so với năm 2022.
Lãnh đạo VIB cũng cho biết, VIB đã trở thành một trong những ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập số cao nhất, với 94% giao dịch của ngân hàng được thực hiện qua kênh số. Năm 2023, ngân hàng số của VIB đạt 300 triệu giao dịch, tăng trưởng 60 lần sau 7 năm chuyển đổi; tiền gửi trực tuyến tăng 182% trong năm 2023 và tỷ trọng giao dịch số chiếm đến 94% tổng lượng giao dịch bán lẻ của ngân hàng.
Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, đến 31/12/2023, số lượng người dùng và số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số OCB OMNI tăng lần lượt trên 30% và 100% so với đầu năm 2023. Ngoài ra, OCB đã hoàn thiện thêm bộ giải pháp Open API và đẩy mạnh kết nối các hệ sinh thái đối tác, đem lại số lượng giao dịch và doanh số qua hệ sinh thái đối tác tăng trưởng lần lượt là 55% và 350%.
Hoạt động chuyển đổi số tại ngân hàng bán lẻ MSB cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong năm 2023 khi hơn 72% khách hàng mới bắt đầu sử dụng dịch vụ trên kênh số, 92% thẻ tín dụng và 84% khoản vay thế chấp đã được mở trên các kênh kỹ thuật số. Tương tự, Ngân hàng số VPBank NEO cũng thu hút thêm 3,5 triệu tài khoản đăng ký mới trong năm 2023, nâng tổng số lượng tài khoản VPBank NEO đạt 8,7 triệu tài khoản với hơn 400 triệu giao dịch trong năm 2023. Ngân hàng số Cake by VPBank hướng tới đối tượng khách hàng trẻ, đam mê công nghệ cũng thu hút 4,1 triệu người dùng…
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn