Tăng tốc triển khai nhà ở xã hội

Tại họp báo thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong năm vừa qua, chính sách nhà ở xã hội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Từ năm 2021 đến nay, toàn quốc đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với tổng số lượng 580.109 căn hộ. Trong số này, 96 dự án đã hoàn thành với 57.652 căn; 133 dự án đã khởi công xây dựng với 110.217 căn; và 415 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với 412.240 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33, hiện tại đã có 36 trong số 63 tỉnh thành có văn bản công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đã có 16 dự án được cấp vay với tổng cam kết tín dụng đạt 4.200 tỷ đồng, trong đó dư nợ hiện tại là 1.727 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức hai hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. "Những nỗ lực trên sẽ là tiền đề để công tác phát triển nhà ở xã hội trong cả nước sẽ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành Xây dựng ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, có hai chỉ tiêu ngành Xây dựng chưa đạt được trong năm 2024 là số lượng căn nhà ở xã hội mới và tỷ lệ hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch.

Về nhà ở xã hội, mục tiêu theo giai đoạn 2021-2025 và đến 2030, mỗi năm hoàn thành 130.000 căn là chưa phù hợp với tình hình thực tế triển khai. Việc này Bộ sẽ có đánh giá hoàn thiện và tập trung các giải pháp triển khai để có kết quả tốt hơn.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 công bố tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vừa qua cũng đánh giá, việc triển khai đề án xây một triệu căn nhà xã hội chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Theo báo cáo, việc triển khai còn bị động, do ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị nhưng hiện đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn lực ngoài nhà nước (do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng). Trong khi đó, chính sách ưu đãi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chưa đủ sức thu hút nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội.

Bộ cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đề xuất triển khai gói vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 5 năm.

Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, năm 2025 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2026 khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2027 khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2028 khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2029 khoảng 16.500 tỷ đồng và năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.

Tiêu chí, điều kiện vay của gói áp dụng theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, người dân được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng. Lãi suất bằng mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Thời hạn vay tối đa 25 năm. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030.

Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Liên quan đến vấn đề trên, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này lại đến từ tiền gửi của khách hàng, do đó mức lãi suất ưu đãi không thể quá cao. Sức hấp dẫn của gói vay này trong mắt doanh nghiệp và người dân cũng vì vậy mà giảm xuống.

“Chúng ta cần có một nguồn vốn khác bền vững, lâu dài, sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đạo. Nguồn vốn đó sẽ được dồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay vì các ngân hàng thương mại. Khi được triển khai, đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản", ông Lực khẳng định.

Chuyên gia bất động sản Trần Xuân Lượng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, mục tiêu của Bộ Xây dựng đến năm 2025 được kỳ vọng sẽ làm nguồn cung phong phú hơn, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững trong những năm tới.

Theo chia sẻ của TS Huỳnh Thanh Điền: "Việc bổ sung thêm bất cứ căn hộ nhà ở xã hội nào ở thời điểm hiện tại đều rất cần thiết". Theo ông Điền, hơn 70% nguồn cung trên thị trường hiện nay là phân khúc trung và cao cấp với giá bán trên 50 triệu đồng/m2, điều này khiến phần lớn người lao động thu nhập thấp tại các đô thị lớn khó có thể đạt được giấc mơ sở hữu nhà ở.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn