Tăng trưởng 7% có khả thi?
Báo cáo với Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng quý II/2024 cũng như sáu tháng đầu năm được đánh giá rất đột phá, tạo nền tảng tốt để thực hiện các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cũng như duy trì ổn định vĩ mô.
Trền nền tảng đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng kịch bản lạc quan với tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 7% cho cả năm 2024. Thứ trưởng lý giải, với nền tảng phục hồi tích cực, nền kinh tế hoàn toàn có thể tăng tốc vào nửa cuối năm bởi quý III và quý IV là giai đoạn mang tính động lực của nền kinh tế.
Thực tế, nền kinh tế luôn có xu hướng khởi sắc hơn về cuối năm nếu không có những biến động bất thường bởi doanh nghiệp tăng tốc trả đơn hàng và các dự án đầu tư được thúc tiến độ để hoàn thành mục tiêu.
Mặt khác, tăng trưởng năm 2024 có thể đột phá một phần vì nền tảng tăng trưởng không cao của các năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số biến động toàn cầu. Mức tăng trưởng này xấp xỉ giai đoạn 2018 – 2019, hai năm khởi sắc nhất của nền kinh tế giai đoạn trước đại dịch.
So sánh với năm 2019, nền tảng tăng trưởng của năm 2024 có phần mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,5% trong nửa đầu năm, cao gấp đôi mức 7,3% của năm 2019. Bên cạnh đó, đầu tư công và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là những điểm sáng của nửa đầu năm nay so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, con số 7% vẫn tương đối thách thức trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới còn thiếu chắc chắn. Đầu tiên phải kể đến xuất khẩu, với mức tăng trưởng tích cực nửa đầu năm, được kỳ vọng sẽ “gánh” tăng trưởng GDP cả năm nhưng sẽ vấp phải nhiều trở lực đến từ rủi ro tỷ giá.
Tiếp đó, một số động lực tăng trưởng của Việt Nam đang lộ rõ sự hụt hơi, tiêu biểu như giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp đạt hơn 7,5% trong sáu tháng đầu năm 2024, thấp hơn so với cùng kỳ những năm có mức tăng trưởng GDP cao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội nửa đầu năm 2024 chỉ tăng 6,8%, trong đó FDI đóng góp tương đối lớn.
Cầu tiêu dùng, tăng trưởng tín dụng yếu cũng là những thực trạng cảnh báo cho những khó khăn của doanh nghiệp cũng như niềm tin của các chủ thể vào triển vọng của nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp giải thể không ngừng tăng qua các quý.
Tỷ lệ lạm phát có dấu hiệu gia tăng cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho triển vọng tăng trưởng. Theo SSI Research, khi kinh tế nửa đầu năm phục hồi vượt kỳ vọng, công tác điều hành chính sách nửa cuối năm có thể sẽ tập trung hơn vào duy trì ổn định vĩ mô, củng cố nền tảng tăng trưởng lâu dài thay vì thúc tăng trưởng trong ngắn hạn.
Nói cách khác, soi chiếu với giai đoạn tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, nhiệm vụ hiện thực hóa kịch bản lạc quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư là rất thách thức, đòi hỏi giải pháp tháo gỡ nguồn lực từ cả phía cung và phía cầu.
Theo Thứ trưởng Phương, các yếu tố cần có để khắc phục hạn chế, bất cập và đạt mục tiêu tăng trưởng bao gồm sự phục hồi tích cực trên toàn cầu, đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI giữ đà tăng trưởng, xuất khẩu được đẩy nhanh, du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, cùng với các chính sách chuẩn bị đi vào hiệu lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của bộ, ngành và địa phương.
Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng đưa ra hai kịch bản dự báo kinh tế 2024, với kịch bản tích cực là tăng trưởng đạt 6,95%, xấp xỉ dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Kịch bản này đòi hỏi bối cảnh thế giới chuyển biến tích cực hơn, bên cạnh những giải pháp điều hành chính sách nhất quán và hiệu quả của Việt Nam để kích thích giải ngân và hấp thụ vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng cường chất lượng tín dụng.
Mặt khác, một yếu tố không thể bỏ qua, theo CIEM, là chuyển biến tích cực trong đầu tư vào các động lực tăng trưởng mới bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trước đó, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo kinh tế năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,5% - 7% trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi, rủi ro được kiểm soát một cách hiệu quả.
Xem thêm tại theleader.vn