Tăng trưởng khá, dệt may lấy đà vượt thách thức

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Đánh giá của VITAS cho thấy, năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm... nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng gì trưởng khá.

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng trong năm 2024 và năm 2025. Báo cáo tình hình kinh doanh tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận, doanh thu thuần đạt hơn 13,6 triệu USD và 955.000 USD lãi ròng, tương ứng tăng 19% và cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 10 tháng, TCM ghi nhận 134,3 triệu USD doanh thu và hơn 10,3 triệu USD lãi ròng, tương ứng tăng 15% và tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại công ty đang tiếp nhận đơn hàng cho quý I/2025.

Còn với Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc thông tin, giai đoạn cuối năm, nhiều lao động tại doanh nghiệp đang tăng ca để kịp đáp ứng đơn hàng, phục vụ dịp Lễ, Tết cho các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5/2025.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngành sợi, mặc dù thị trường còn khá ảm đạm khi giá đơn hàng còn ở mức rất thấp, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất… nhiều doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực.

Vì vậy, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho hay, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Trong đó, ngành may được dự đoán sẽ có lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn so với năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Giang, cùng với sự tăng trưởng và các cơ hội mới, doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025. Cụ thể, có thể kể đến tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng…

“Áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng các các quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến “xanh hoá” trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới”, ông Giang nhận định.

Ngoài ra, trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may Việt cũng đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU.

Theo báo cáo của UNIDO (2023), chỉ 20% doanh nghiệp trong ngành hiện có hệ thống quản lý đủ tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Thách thức này càng lớn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ xanh.

Do đó, theo VITAS để hướng tới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nhà nhập khẩu, bản thân các doanh nghiệp dệt may tiếp tục nỗ lực đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất… Đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh, một trong những tiêu chí bắt buộc cho các đơn hàng vào các thị trường lớn hiện nay.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn