Tăng trưởng tín dụng tăng tốc 'thúc' nhà băng cấp tập phát hành trái phiếu
Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến cuối tháng 9/2024, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất với khoảng 245,4 nghìn tỷ, tăng 188% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 74%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay là: ACB (29,8 nghìn tỷ đồng), Techcombank (26,7 nghìn tỷ đồng), OCB (24,7 nghìn tỷ đồng)…
Chạy đua ‘hút’ vốn cuối năm
Ngân hàng OCB vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 2 trong năm 2024.
Cụ thể, OCB dự kiến phát hành 13.200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành tối đa 13.200 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có tài sản bảo đảm/bảo lãnh thanh toán.
Mục đích phát hành trái phiếu để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng vào mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng luôn dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hút vốn. |
Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm tới nay, OCB đã phát hành ra thị trường 19 lô trái phiếu với tổng giá trị 21.300 tỷ đồng, nếu lô trái phiếu trên phát hành thành công, giá trị trái phiếu đã phát hành tại OCB sẽ nâng lên 34.500 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank cũng công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024 lần 1.
Cụ thể, Eximbank dự kiến chào bán và phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của ngân hàng.
Mệnh giá một trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Lãi suất trái phiếu cố định tối đa không quá 5,5%/năm, kỳ hạn tối đa 3 năm.
Eximbank dự kiến phát hành trái phiếu thành 6 đợt, mỗi đợt trị giá 500 tỷ đồng, vào quý IV/2024.
Cuối tháng 10 vừa qua, BIDV cũng đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước. Số tiền thu từ trái phiếu xanh đã được BIDV phân bổ cho 2 dự án gồm năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ) và giao thông bền vững (ô tô điện).
Tương tự, ngày 28/10/2024, VietinBank phát hành thành công lô trái phiếu CTGL2439014 với giá trị phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm; dự kiến đáo hạn ngày 28/10/2039.
Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 14 mà VietinBank phát hành kể từ đầu năm đến nay (theo công bố trên HNX).
Trước đó, ngày 15/10/2024, ngân hàng này đã phát hành thành công 9.000 trái phiếu mã CTGL2439013 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 900 tỷ đồng; lãi suất phát hành 6,5%/năm; kỳ hạn 15 năm, dự kiến đáo hạn ngày 15/10/2039.
Hút vốn trung, dài hạn
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng luôn dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi.
Giới phân tích dự báo, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý IV, nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Theo đó, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 9%, và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ cán mốc 15%. Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng ngành ngân hàng sẽ “cán đích”, bởi tốc độ tăng trưởng như xu hướng hiện tại cũng như dấu hiệu nền kinh tế khởi sắc năm nay đang cho thấy nhiều yếu tố tích cực.
Sau một thời gian dài “chạy đua” tăng lãi suất huy động, từ tháng 10 đến nay, tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại. Trong tháng 10 vừa qua chỉ còn 9 ngân hàng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tranh thủ thu hút nguồn vốn trung dài hạn, một mặt để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn, mặt khác để cân đối lại nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng dịp cuối năm.
Theo các chuyên gia, gửi tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi hay phát hành trái phiếu đều là những sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, tuy nhiên có những điểm khác biệt nhất định.
Về kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi hay phát hành trái phiếu có thời hạn gửi tiền nhất định và thường có kỳ hạn dài hay trung hạn. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng linh hoạt hơn, có thể ngắn hạn chỉ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; cho đến thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng… Tuy nhiên, kênh huy động này thường chiếm tới 70% vốn cho ngân hàng.
Theo quy định về an toàn vốn từ NHNN, từ cuối năm 2023, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước đây. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%. Do đó, xuất phát từ quy định này, các ngân hàng phải tìm kiếm nguồn vốn bổ sung thông qua việc phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn