Tăng trưởng tín dụng thấp, 'lãi suất' không còn là từ khoá
Tăng trưởng tín dụng âm, ngân hàng tranh nhau khách hàng tốt
Chia sẻ tại buổi gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu sáng 3/3, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, bước sang năm 2024, tình hình quốc tế vẫn nhiều mảng xám, diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ luỵ. Chính điều này đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.
"Tại Agribank hiện huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng. Dù ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng, song thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank đã giảm gần 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ 2023", ông Ấn nói.
Thông tin trên là phù hợp với thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tháng 1/2024 tăng trưởng tín dụng toàn ngành giảm 0,6%.
Giải thích về con số tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, qua theo dõi trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm trước dù thanh khoản đang rất dồi dào.
Ngoài yếu tố thời vụ, Phó Thống đốc nhấn mạnh một yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới chưa khởi sắc, ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, kinh tế trong nước vẫn đang khó khăn, cầu tín dụng suy giảm nên tăng trưởng tín dụng thấp.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào ngân hàng rất nhiều, nguồn vốn ngân hàng dồi dào nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó.
Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank là do tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.
Ngoài ra, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm.
Đại diện Vietcombank cho biết, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã thấp hơn cả thời kỳ COVID-19 nên lãi suất không phải là vấn đề đối với khách vay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, nhìn vào thực tế, sau thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình thế giới khó khăn, dẫn tới đời sống doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, dù lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp sản xuất không có đầu ra, hoạt động sản xuất ngưng trệ, dẫn tới nhu cầu vốn giảm. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn lại vướng nợ xấu, không có phương án kinh doanh khả thi, ngân hàng cũng không thể cho vay.
"Hiện nay có tình trạng các ngân hàng tranh nhau khách hàng tốt. Bản thân chính sách khuyến khích khách hàng chuyển từ ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp cũng khó có hiệu quả, vì khách hàng tốt thì ngân hàng sẽ giữ cho bằng được, còn khách hàng xấu mới đẩy đi. Vì thế, lãi suất không còn là từ khoá với tăng trưởng tín dụng", ông Hùng chia sẻ.
Làm sao để tiền không chảy vào các kênh đầu cơ?
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết, hiện nay ngân hàng đang đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân để tăng thu phí và có biên lợi nhuận cao. Còn về phần doanh nghiệp, hiện ngân hàng vẫn chủ yếu là cơ cấu lại nợ cho nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái để duy trì hạn mức. Còn cho vay doanh nghiệp mới rất hạn chế vì khá mạo hiểm.
Về lo ngại lãi suất rẻ (khoảng 7-7,5%/năm) tiền sẽ chảy vào những kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vị này cho biết, về nguyên tắc khách hàng vay đều phải có phương án kinh doanh theo đúng quy trình ngân hàng và quy định pháp luật. Tuy nhiên, dòng tiền sau khi ra khỏi ngân hàng đi đâu, đổ vào đâu là khó kiểm soát.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho rằng, thực tế có những nhóm khách hàng đang được hưởng lãi suất thấp nhưng có những nhóm khách hàng doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất cao (khoảng 10%/năm).
Phân tích chi tiết, vị này cho rằng, mức lãi suất cao không phải là không có lý vì bản chất môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại đang rất rủi ro. Để bù trừ cho rủi ro cao, ngân hàng buộc phải giữ mức lãi suất cao để kéo rộng biên lợi nhuận nhằm phòng tránh thiệt hại.
Về lo ngại tiền chảy vào các kênh đầu tư thay vì sản xuất, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lo ngại là đúng nhưng đó cũng là bản chất của kinh tế thị trường.
"Chúng ta không thể buộc các ngân hàng chỉ đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh trong khi nhu cầu của nhóm khách hàng này giảm, rủi ro cao khi không có đầu ra, thế giới cũng đang khó khăn. Vì vậy, khách hàng có nhu cầu ở đâu thì ngân hàng sẽ đổ tiền vào đó khi các kênh đầu tư này sinh lời. Vấn đề chỉ là kiểm soát rủi ro", ông Hiếu nói.
Cùng với đó, ông Hiếu cho rằng, muốn tiền đổ vào sản xuất kinh doanh thì trước tiên nền kinh tế phải hoạt động ổn định, phát triển đi lên, từ đó sản xuất kinh doanh có đầu ra, xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại.
"Dòng tiền rất nhạy cảm, nó sẽ đổ vào những kênh sinh lời phù hợp với mức độ rủi ro. Sản xuất, kinh doanh tăng trở lại, tiền ắt sẽ đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn với tình trạng sản xuất kinh doanh chậm như hiện nay thì rất khó để ép các ngân hàng đổ tiền vào kênh này", ông Hiếu nói.
Xem thêm tại nhadautu.vn