Tạo cơ chế khác biệt để kích hoạt mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác từ năm 2022 với quy mô 4 làn hạn chế, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe.

Chốt tiến độ triển khai

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án vừa nhận được định hướng cụ thể về công tác triển khai Dự án PPP Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cụ thể, trong Thông báo số 558/TB-VPCP được Văn phòng Chính phủ phát đi, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tham mưu, nghiên cứu và đề xuất việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong thời gian nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã lựa chọn và giao nhà đầu tư đề xuất dự án, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

“Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là chậm so với yêu cầu, tuy có nguyên nhân khách quan (cần chờ Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Do vậy, yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công Dự án trong quý II/2025”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Về cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo phương thức PPP, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  “...nên giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền”. Do vậy, Bộ GTVT cần trao đổi với UBND tỉnh Tiền Giang (hoặc địa phương liên quan), trường hợp thống nhất được việc giao địa phương nào làm cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 1/2025, trên tinh thần đảm bảo thuận lợi và năng lực tổ chức triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất.

Trường hợp các bên liên quan thống nhất Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo phù hợp về năng lực tổ chức triển khai và có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư - thi công, thì cần báo cáo lại Thủ tướng.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà đầu tư, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2023 số 57/2024/QH15 đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo Phó thủ tướng, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch đoạn TP.HCM - Trung Lương lên quy mô 10-12 làn xe. Vì vậy, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, khẩn trương phối hợp với các địa phương liên quan, lập dự án giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn hợp pháp, khả thi để giao các địa phương triển khai ngay, tránh phát sinh chi phí và thuận lợi khi đầu tư mở rộng.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và theo quy định của Luật PPP, Bộ GTVT đã giao Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do Liên danh Đèo Cả - CII - Tasco đề xuất, Dự án sẽ đầu tư mở rộng khoảng 91 km tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, quy mô đầu tư 6-8 làn xe (đoạn TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe) phù hợp với bề rộng nền đường đã được giải phóng mặt bằng.

Với quy mô đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án PPP Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận bao gồm lãi vay trong thời gian thi công là 38.693 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng quan tâm

Trong Công văn số 13301/BGTVT-KHĐT gửi lãnh đạo Chính phủ đầu tháng 12/2024, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã lấy ý kiến các địa phương liên quan. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ GTVT đang nghiên cứu, tiếp thu để hoàn hiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và dự kiến hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý IV/2024; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý I/2025; triển khai khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai Dự án trong năm 2025.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sở dĩ phải đến quý I/2025 mới có thể duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là bởi theo quy định hiện hành, hợp đồng BOT không áp dụng hình thức thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án cải tạo, nâng cấp công trình hiện hữu.

Tuy nhiên, Điều 84, Luật Đường bộ đã sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ cao tốc sẵn có. Như vậy, để có đủ cơ sở thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cần chờ Luật Đường bộ có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025).

Một trong những nội dung cần được cấp có thẩm quyền cho phép để có thể khởi động Dự án là việc thu hồi khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước để đầu tư tuyến TP.HCM - Trung Lương giai đoạn I.

Cụ thể, Dự án Xây dựng đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I) được ứng trước vốn ngân sách nhà nước để thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ bán quyền thu phí để hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ứng trước 9.563 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư Dự án. Trong giai đoạn 2011-2013, Bộ GTVT bán quyền thu phí dự án 5 năm (giai đoạn 2014-2018) và thu hồi về ngân sách nhà nước 2.004 tỷ đồng.

Sau khi hết hạn bán quyền thu phí, quy định pháp luật không cho phép tiếp tục thực hiện việc thu phí đường bộ trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, do vậy không thể tiếp tục thực hiện việc bán quyền thu phí tại Dự án để hoàn ứng cho ngân sách nhà nước. Đến nay, kế hoạch vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi của Dự án là 7.597 tỷ đồng.

Do không bố trí được nguồn lực để thanh toán khoản ngân sách ứng trước này, nên trong quá trình nghiên cứu đầu tư Dự án PPP Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã đề nghị nhà đầu tư đề xuất dự án nghiên cứu phương án sử dụng nguồn thu phí của Dự án để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I).

Nhà đầu tư đề xuất dự án cũng đánh giá, đây là phương án tối ưu nhất để có thể sớm triển khai Dự án PPP Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận ngay trong năm 2025. Thời gian hoàn trả dự kiến là trong vòng 10 năm đầu tiên thu phí hoàn vốn Dự án PPP Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ước tính thời gian thu phí hoàn vốn là 23 năm 5 tháng, trong đó 9 năm đầu doanh thu không đủ trả lãi vay nên nhà đầu tư phải thu xếp phương án bù lãi vay khoảng 6.300 tỷ đồng.

“Đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 4 ngân hàng lớn trong nước quan tâm đến việc tài trợ vốn cho Dự án gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và VPBank. Điều này phần nào cho thấy, Dự án có tính khả thi tài chính”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông chiều dài khoảng 91 km. Theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2050, đoạn tuyến này có quy mô 6-8 làn xe.

Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương dài khoảng 40 km, quy hoạch 6 làn xe. Đoạn tuyến được đầu tư bằng nguồn ứng trước ngân sách nhà nước, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010 với quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng theo quy mô 8 làn xe.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51 km, quy hoạch 6 làn xe. Đoạn tuyến được đầu theo phương thức PPP do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền, đưa vào khai thác từ năm 2022 với quy mô 4 làn hạn chế (chiều rộng nền đường 17 m), giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe. Hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đang thực hiện công tác quyết toán hoàn thành dự án.

Xem thêm tại baodautu.vn