Tập đoàn PAN (PAN) lãi 201 tỷ đồng trong quý II/2024

Trong quý II/2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu đạt 3.378 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Xét riêng trong quý II, doanh thu lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 20% và 14%.

Tập đoàn PAN cho biết, thêm động lực của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu; tăng trưởng doanh thu nông nghiệp tiếp tục đến từ CTCP Khử trùng Việt Nam VFC (mã VFG – sàn HOSE) với việc tiếp tục chiếm lĩnh thị phần thuốc bảo vệ thực vật từ các đối thủ cạnh tranh; và lĩnh vực thực phẩm đóng gói, Bibica (mã BBC – sàn HOSE) đẩy mạnh kênh xuất khẩu và đây là yếu tố đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh, khi doanh số xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ.

Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu đạt 6.839 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng, tăng 39% so với nửa đầu năm 2023.

Trong năm 2024, Tập đoàn PAN đặt kế hoạch doanh thu 14.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, với lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng, Tập đoàn PAN đã hoàn thành 42% so với kế hoạch năm.

Trái với lợi nhuận tăng trưởng tích cực, trong nửa đầu năm 2024, Tập đoàn PAN ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 5.003,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 5.210,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.036,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 3.675,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay.

Về quy mô tài sản, tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của Tập đoàn PAN tăng 15,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.176,3 tỷ đồng lên 23.364,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 12.187,9 tỷ đồng, chiếm 52,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 4.053,3 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.771,2 tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Cơ cấu đầu tư tài chính ngắn hạn của Tập đoàn PAN tại thời điểm 30/6/2024

Cơ cấu đầu tư tài chính ngắn hạn của Tập đoàn PAN tại thời điểm 30/6/2024

Điểm đáng lưu ý, trong nửa đầu năm 2024, khoản mục đầu tư chứng khoán tăng 58,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.900 tỷ đồng lên 10.576,1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty không thuyết minh chi tiết khoản mục chứng khoán nắm giữ.

Về phần nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 42,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.800,3 tỷ đồng, lên 12.782,3 tỷ đồng và bằng 152,7% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm tổng nợ vay là 8.982 tỷ đồng và bằng 107,7% tổng vốn chủ sở hữu).

Nhận định về triển vọng nửa cuối năm 2024, Tập đoàn PAN kỳ vọng dấu hiệu tích cực. Trong đó, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi, không chỉ ở đơn hàng mà cải thiện về giá, đi kèm với việc thu hoạch vụ tôm tự nuôi trong quý III, Tập đoàn kỳ vọng lĩnh vực thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi và bứt phá trong mùa cao điểm quý III và đặc biệt quý IV năm 2024.

Lĩnh vực thực phẩm đóng gói, cụ thể là mảng bánh kẹo sẽ tiếp tục đẩy mạnh được xuất khẩu sau các hợp đồng ban đầu với khách hàng Hàn quốc, Nhật Bản và Trung quốc. Các sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ có đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh cho giai đoạn tiếp theo, qua đó hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Lĩnh vực Nông nghiệp bao gồm cả mảng thuốc bảo vệ thực vật và mảng giống cây trồng tận dụng tốt được vị thế thị trường và mùa vụ kinh doanh lớn trong quý III, IV để duy trì và đạt kết quả tăng trưởng cao như trong nửa đầu năm (VFC).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu PAN giảm 300 đồng về 22.200 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn