Tập trung giữ thị trường vốn ổn định, minh bạch, an toàn trong năm 2024

Nhiều biến động trong năm 2023

Trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2023 đã trải qua nhiều biến động với xu hướng giảm điểm, bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5, tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.

Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1117,66 điểm, tăng 2,2% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ngày 25/12/2023 đạt 5.863 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP ước tính năm 2022.

Về quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), tính đến cuối tháng 11/2023, thị trường có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 2.052 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022, tương đương 22% GDP. Thanh khoản thị trường cũng có sự hồi phục. Giá trị giao dịch bình quân đạt 18.505 tỷ đồng/phiên, giảm 4,1% so với tháng 11. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.563 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so với bình quân năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, TTCK phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hiệu quả và là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính từ đầu năm đến nay đạt 236.714 hợp đồng/phiên, giảm 13% so với năm 2022.

Đối với thị trường trái phiếu, trái phiếu Chính phủ (TPCP), tính đến hết ngày 25/12/2023, đã phát hành 296.678 tỷ đồng, gấp hơn 1,38 lần so với cả năm 2022, bằng 74,2% kế hoạch của năm (400.000 tỷ đồng), bằng 78,1% kế hoạch điều chỉnh của năm (380.000 tỷ đồng). Lãi suất phát hành bình quân TPCP tính đến cuối tháng 12/2023 đạt 3,21%/năm, giảm 0,27% so với bình quân năm 2022 (3,48%/năm). Trong năm 2023, TPCP bảo lãnh đã phát hành được 21.250 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ luỹ kế đến 25/12/2023 có 79 DN đã phát hành với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2022. Từ thời điểm hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động (19/7/2023) đến ngày 25/12/2023, tổng giá trị giao dịch đạt 189,976 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên.

Mới đây, thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhắc tới các điểm sáng của thị trường TPDN, đồng thời cho biết, đến hết năm 2023, có 81 DN phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng là 269,5 nghìn tỷ đồng. Các DN cũng bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu đến hạn và đàm phán với các nhà đầu tư khi tái cơ cấu và gia hạn trái phiếu giảm áp lực trả nợ gốc và lãi trái phiếu. Theo đó, khối lượng mua lại TPDN trước hạn của năm 2023 cũng là 238 nghìn tỷ đồng và trái phiếu có hạn là gần 40%. “Trong khi đó, cơ cấu nhà đầu tư cho thấy những thay đổi của thị trường khi nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu năm 2023 chiếm đến 92,4% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6 % thị trường trái phiếu sơ cấp. Như vậy, đây là sự thay đổi rất lớn trong cách thức tiếp cận thị trường, kể cả tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Cam kết thị trường vận hành liên tục và an toàn

Bước sang năm 2024, nền kinh tế trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và dự báo còn nhiều khó khăn..., qua đó tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc phát triển thị trường vốn cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hành, đặc biệt chú trọng và tập trung tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để phát triển thị trường vốn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế cũng đã được ngành Tài chính đề ra. Về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc rà soát, sửa đổi tổng thể các quy định pháp luật chứng khoán và các pháp luật khác liên quan (nếu có) nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán nhằm cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Đây cũng là năm ngành Tài chính tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường; xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty này để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.

“Với những giải pháp lớn của Chính phủ để đảm bảo cân đối vĩ mô bền vững, tiếp tục tăng trưởng ổn định, đây sẽ là nền tảng để TTCK năm 2024 phát triển ổn định, bền vững. Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào TTCK. Với vấn đề nâng hạng TTCK, ngay trong năm 2024, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất; đề xuất các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng TTCK có quyết định nâng hạng thị trường”, Thứ trưởng cho biết.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn