Tập trung hỗ trợ các ngành kinh tế mới và tài sản số

Ông Tuần cũng khẳng định SSI Digital sẽ tập trung vào các ngành kinh tế mới trong đó có tài sản số, vì “nếu bây giờ không nhóm những đốm lửa thì sẽ không có những đám cháy về sau”.

NHÓM NHỮNG "ĐỐM LỬA" ĐẦU TIÊN

Thưa ông, một trong những định hướng của SSI Digital - thành lập từ năm 2022 - là trở thành vườn ươm hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ hoạt động trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong đó có tài sản số. Vậy đâu là lý do và cơ sở của định hướng này?

Tôi đã có lần nói chuyện với anh Hưng (ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI – PV) và anh Hưng có chia sẻ rằng lĩnh vực công nghệ như Blockchain, AI… đang có rất nhiều “đất” và người Việt Nam rất giỏi về các công nghệ này, đã có những startup ở mức unicorn, tức có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên, như Axie Infinity của Nguyễn Thành Trung, hay Kyber Network của Lưu Thế Lợi.

Các sản phẩm phần mềm liên quan tới các lĩnh vực Blockchain do người Việt sáng tạo, làm ra, điều hành, quản lý, nhưng tiếc rằng lại đăng ký do đặt trụ sở tại Singapore, Dubai hay một số quốc đảo khác. Như thế thật tiếc cho ngân sách quốc gia.

Tôi được truyền cảm hứng từ anh Hưng rằng anh cũng từng là một trong những người tiên phong khai mở thị trường chứng khoán. Anh Hưng chia sẻ có triển khai một dự án tại Hòa Lạc, trong khu R&D thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó sẽ cho một số ngành kinh tế mới được thử nghiệm có kiểm soát, còn gọi là sandbox.

Sau “điểm gặp gỡ” trên, chúng tôi đã thành lập SSI Digital để hỗ trợ và nay mai làm một thị trường vốn cho các doanh nghiệp về tài sản số. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành và đóng góp vào việc phát triển tài sản số của Việt Nam sau khi được Chính phủ quyết định. Chúng tôi thành lập công ty nghiên cứu phát triển về AI, Blockchain, Fintech chứ không riêng tài sản số.

Mục tiêu của SSI Digital là gì, bởi như ông đã biết, lĩnh vực tài sản số vẫn chưa có pháp lý tại Việt Nam?

SSI Digital luôn ấp ủ nhiều kế hoạch. Nếu đến tháng 5/2025 trong trường hợp cơ quan quản lý không cấp phép cho tiền số thì SSI Digital vẫn sẽ tiếp tục dấn thân trong các lĩnh vực như AI, Fintech, Blockchain - những lĩnh vực mà Chính phủ luôn ủng hộ và coi trọng.

Chúng tôi luôn muốn đất nước mình phát triển theo hướng công nghệ cao. Việt Nam phải nằm trong chuỗi giá trị lớn chứ không mãi ở trong những chuỗi gia công. Ngay trong chuỗi cung ứng về công nghiệp, nhiều đơn vị của Việt Nam đã có chân trong chuỗi đó rồi nhưng đa phần vẫn chỉ là gia công, do vậy phần giá trị gia tăng vẫn chưa cao.

Do vậy, với SSI Digital, chúng tôi khao khát làm một dự án mang tầm cỡ quốc gia và Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng rất muốn chúng tôi thực hiện dự án kiểu như vậy.

CEO Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) Mai Huy Tuần.
CEO Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) Mai Huy Tuần.

"Việc tài sản số có được công nhận hay không thì phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ đề án, thử nghiệm có kiểm soát, rồi sau khi thử nghiệm có kiểm soát cộng với đề án còn liên quan đến tài chính, thuế và rất nhiều yếu tố nữa thì Nhà nước mới đưa ra được quyết định cấp phép hay không cấp phép".

Trong việc xây dựng pháp lý tài sản số ở Việt Nam mà trong đó SSI Digital là một trong những đơn vị đồng hành và đóng góp ý kiến, như ông từng chia sẻ là vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể đó là những khó khăn gì, thưa ông?

Đối với tài sản số ở Việt Nam, hiện vẫn đang có câu hỏi có nên hay không nên. SSI Digital là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước về việc phát triển công nghệ Blockchain, nhưng còn việc tài sản số có được công nhận hay không thì phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ đề án, thử nghiệm có kiểm soát, rồi sau khi thử nghiệm có kiểm soát cộng với đề án còn liên quan đến tài chính, thuế và rất nhiều yếu tố nữa thì Nhà nước mới đưa ra được quyết định cấp phép hay không cấp phép.

SSI Digital đi theo định hướng của Chính phủ. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về hệ sinh thái quỹ, hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp... nên có thể kết nối với cơ quan, ban ngành và Chính phủ, giúp Chính phủ đưa ra quyết định nên hay không nên.

Khi phải “chạy” trước tới cả năm trời mà còn chưa biết được có hay không được làm tài sản số ở Việt Nam do tính pháp lý vẫn chưa rõ ràng, thì liệu đó có là rủi ro đối với SSI Digital không, thưa ông?

Được hay không được (cấm hoặc không cấm về tài sản số - PV) chỉ là một phần nhỏ trong cả một dự án lớn, chứ không chỉ vì lí do này mà chúng tôi mới làm dự án. Bởi SSI Digital còn là Fintech, chuỗi khối Blockchain, AI… rất nhiều thứ mà vườn ươm có thể làm, trong đó tài sản số chỉ là một “đốm lửa nhỏ” của “đám cháy” mà SSI Digital muốn tạo nên.

Do vậy, không phải đợi cấp phép thì mới làm hay không, mà làm sớm có rất nhiều yếu tố như làm về Fintech thì SSI Digital cũng đang làm rồi, hoạt động này không phải đợi chính sách (chỉ có tài sản số mới đợi chính sách cho phép hay không), hoặc nhiều công nghệ khác được ủng hộ như Blockchain, AI, IOT, Big Data… Quan điểm của SSI Digital là chỉ làm những gì Chính phủ cho phép.

ƯU TIÊN DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Với hành trình như trên, SSI Digital đang ở giai đoạn như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc và đang làm thủ tục để xin giấy phép xây dựng, hy vọng trong quý 2/2024 sẽ xong giấy phép xây dựng. Khi có giấy phép, SSI Digital sẽ khởi công xây dựng ngay để tạo một hub.

Về Blockchain, SSI Digital đã và đang hỗ trợ một số cộng đồng khởi nghiệp, hướng dẫn các startup về vốn, định hướng cũng như các xu hướng công nghệ trên thế giới. Không riêng gì tài sản số, công nghệ Blockchain được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác. Khi có các nội mạng về Blockchain ở Việt Nam sẽ giải quyết được rất nhiều câu chuyện, cả về thủ tục hành chính, hành chính công,… nên những bạn nào có ý tưởng tốt về ứng dụng của AI, Blockchain,... chúng tôi có thể hỗ trợ để làm các dự án có ích cho xã hội.

Sau khi có giấy phép thì trung tâm ươm tạo của SSI Digital sẽ được xây dựng trong bao lâu, thưa ông?

Dự kiến trong vòng 24 tháng là sẽ hoàn thiện tổng thể dự án. Tuy nhiên, có những phần sẽ được xây xong trước nên có thể chỉ sau 6 tháng là các startup có thể lên đó làm việc, từ đó tạo ra không gian làm việc chung và gắn kết, vì những sandbox Chính phủ cho phép thì SSI Digital kéo các startup đó vào vườn ươm để ươm tạo, rót vốn. Đó cũng là nơi kết nối vì SSI Digital có thể tìm kiếm thêm nguồn vốn đầu tư trên thế giới về vườn ươm của SSI Digital, như thế sẽ hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với định hướng như vậy, các đối tượng startup cần tiêu chuẩn như thế nào? Các startup trong lĩnh vực tài sản số có thể nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ SSI Digital?

SSI Digital có nhiều mối quan hệ với các quỹ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tất nhiên trước khi quyết định rót vốn cho các startup về công nghệ nói chung và startup trong lĩnh vực tài sản số, chúng tôi phải sàng lọc rất kỹ lưỡng. Bởi thời điểm đầu các bạn trẻ thường mông lung nên phải lọc xem startup nào đúng xu hướng thế giới, đúng định hướng mà thị trường đang cần để hỗ trợ.

Chúng tôi ưu tiên cho những dự án có tính ứng dụng cao, có đội ngũ khởi nghiệp khát vọng. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất của một startup là tư tưởng, định hướng của người đứng đầu. SSI Digital sẽ dựa vào đó để đánh giá và lựa chọn.

Vậy SSI Digital đã hỗ trợ cho hồ sơ hay doanh nghiệp khởi nghiệp nào chưa, thưa ông?

Chúng tôi đã bắt đầu sàng lọc các startup để khoảng 6 tháng nữa khi xong bước đầu (dự án vườn ươm trên Hòa Lạc) để khớp khi đưa vào hoạt động. SSI Digital tìm startup tốt nhất và ưu tiên người Việt...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2024 phát hành ngày 06/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tập trung hỗ trợ các ngành kinh tế mới và tài sản số - Ảnh 1

Xem thêm tại vneconomy.vn