Taxi truyền thống“dịch chuyển”

Taxi điện mở rộng vị thế

Tháng 5/2024, Let’s Go Taxi thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Let’s Go An Bình ra mắt thị trường taxi điện Việt Nam với đội xe Wuling Mini EV (xuất xứ từ Trung Quốc).

Theo ông Trần Lưu Văn, Tổng giám đốc Let’s Go An Bình, trong giai đoạn đầu, xe Wuling Mini EV được sử dụng trong các thành phố du lịch như Tuy Hoà, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Khi đội xe phong phú hơn, hãng có thể mở rộng hoạt động ra các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đến đầu tháng 8/2024, Let’s Go An Bình ký hợp đồng mua 600 xe VF3 với VinFast nhằm bổ sung đội xe cho chiến lược phát triển giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, 200 xe điện VF3 đầu tiên sẽ được VinFast bàn giao trong những tháng cuối năm 2024.

Nhiều hãng taxi truyền thống như Sun Taxi, Lado, Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Én Vàng (Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai), Airports (Hà Nội)… cũng bắt đầu xanh hoá đội xe bằng các thỏa thuận mua và thuê xe điện của VinFast.

Let’s Go Taxi hiện là hãng xe điện thứ hai tại thị trường Việt Nam, sau Xanh SM của Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh - chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast, ra mắt thị trường cuối tháng 4/2023.

Chỉ sau hơn 1 năm kể từ thời điểm taxi điện xuất hiện tại Việt Nam, loại hình taxi này thấy vị thế ngày càng lớn, riêng Xanh SM có hơn 30.000 xe taxi điện, chiếm hơn 40% tổng số xe taxi đang hoạt động.

Một nghiên cứu của Deloitte cho thấy, khoảng 60% người dân Việt Nam quan tâm và ủng hộ việc sử dụng xe điện vì yếu tố môi trường, cao hơn các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia...

Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông - vận tải thể hiện rõ xu hướng kinh doanh taxi trong tương lai. Theo đó, từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của xe điện, Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng hệ thống hạ tầng trạm sạc, đảm bảo theo kịp tốc độ gia tăng lượng xe tham gia thị trường, dù nhiều đơn vị đã tham gia thị trường trạm sạc như EV One, EverEV, GreenCharge, Autel, Star Charge. Tính riêng trạm sạc của VinFast, cả nước đang có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố.

Mới đây nhất, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã ký thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. (Hàn Quốc) để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.

Tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh ngày 6/8/2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.

Vinasun Corp và Mai Linh chuyển đổi sang xe “lai”

Thị phần kinh doanh taxi đang bị chia nhỏ và lợi thế ngày càng nghiêng về phía các hãng xe điện.

Trước xu thế phát triển của xe điện, hai doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ taxi truyền thống là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh) đã quyết định đầu tư hàng loạt xe hybrid (xăng lai điện).

Theo đó, tháng 6/2024, Vinasun đã nhận bàn giao 806 xe hybrid của Toyota. Nếu điều kiện thuận lợi, số lượng xe có thể tăng lên con số 1.000 vào cuối năm nay và sang năm 2025, Vinasun sẽ đầu tư thêm 2.000 xe Toyota hybrid.

Với Mai Linh, doanh nghiệp cũng đã hợp tác với Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe hybrid giai đoạn 2023 - 2025, trong đó năm 2024 là 2.224 xe.

Lý giải về việc không lựa chọn xe thuần điện, lãnh đạo Mai Linh cho biết, sau khi nghiên cứu, phân tích, hãng nhận thấy xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam, bởi những bất cập về cơ sở hạ tầng hay lượng pin rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, Mai Linh chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang các dòng hybrid.

Trong khi đó, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun đánh giá, xe hybrid phù hợp với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Giá của 2 dòng xe hybrid và xe điện là ngang nhau, thậm chí xe điện có phần nhỉnh hơn. Về chi phí nhiên liệu, xe hybrid chạy 1 km tốn khoảng 1.100 - 1.200 đồng (giảm tới 50% so với xe xăng), cao hơn khoảng 400 đồng/km so với xe điện, nhưng mang lại sự cơ động cho lái xe khi không phụ thuộc vào trạm sạc và trong thời gian đợi sạc có cơ hội kiếm được 1 - 2 lượt xe để bù đắp sự chênh lệch.

Vinasun vẫn đang đẩy mạnh tuyển dụng tài xế tham gia đội xe với nhiều chương trình như tặng tiền khi đăng ký lái xe tại ngày hội tuyển dụng, lái xe mới được hỗ trợ tiền trong thời gian thử việc, cơ hội thu nhập hấp dẫn…

Tuy nhiên, việc duy trì chính sách hỗ trợ lái xe và đối tác đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Vinasun. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt 531,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 15,4%; lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 39 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2023. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vinasun là đạt doanh thu 1.011 tỷ đồng, lãi ròng 81 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 9% và gần 47% so với năm 2023.

Đối với Mai Linh, năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.586 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4 tỷ đồng, nhưng cải thiện so với con số 1 tỷ đồng năm 2022 và mức lỗ lên tới cả trăm tỷ đồng trong 2 năm trước đó. Mục tiêu năm 2024 của Mai Linh là đạt doanh thu 1.650 tỷ đồng, lãi ròng 60 tỷ đồng.

Việc tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, Be và số lượng xe điện đông đảo của Xanh SM, bài toán giành lại thị phần của Mai Linh nói riêng, các hãng xe taxi truyền thống nói chung được nhận định không dễ giải.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn