Tây Ninh có thêm khu công nghiệp 2.350 tỷ đồng
Quy mô sử dụng đất của dự án là 495,17 ha. Địa điểm thực hiện tại ấp Đá Hàng và ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 2.350 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP (ngày 1/3/2024).
Để thực hiện, UBND tỉnh Tây Ninh được giao kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai. Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai… Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh phối hợp với cơ quan có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư phân kỳ đầu tư dự án theo các giai đoạn.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm về việc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - CTCP sử dụng vốn, huy động vốn để đầu tư vào dự án; bảo đảm hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong quá trình đầu tư dự án và thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP lập phương án phân kỳ đầu tư dự án theo các giai đoạn, phù hợp với chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Tây Ninh; đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh đã xác định bố trí, phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo trục: QL 22, QL 22B, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng 13 là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An, nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh tại thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Dương Minh Châu, có điều kiện về quỹ đất, thuận lợi kết nối hạ tầng, kết nối thị trường, kết nối với các cảng hàng không, cảng biển lớn tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo địa phương, hiện nay các khu công nghiệp thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ đất tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có một số khu công nghiệp đã thành lập như: Trảng Bàng 190ha, Linh Trung III 203ha, Thành Thành Công 760ha tại thị xã Trảng Bàng; khu công nghiệp Phước Đông 2.190ha tại huyện Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng; khu công nghiệp Chà Là 42,19ha tại huyện Dương Minh Châu…
Các khu khác sẽ thành lập mới khi đáp ứng điều kiện là: Khu công nghiệp Hiệp Thạnh tại huyện Gò Dầu 573,81; Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn 300ha có vị trí dự kiến tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tên, quy mô và phạm vi ranh giới được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư).
Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm: Khu công nghiệp Thành Thành Công mở rộng tại thị xã Trảng Bàng khoảng 479ha; Khu công nghiệp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng 700ha; Khu công nghiệp Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và Dương Minh Châu 2.765ha; Khu công nghiệp Bến Củi, huyện Dương Minh Châu 500ha; Các khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, 2.939ha; Các khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát 300ha...
Xem thêm tại vneconomy.vn