“Tay to” chốt lời

Dư nợ cho vay lập kỷ lục mới

Cùng với các câu chuyện kỳ vọng hồi phục và nâng hạng thị trường, TTCK Việt Nam tăng điểm trên diện rộng trong những tháng đầu năm 2024, nối tiếp nhịp hồi phục cuối năm 2023, dẫn tới sự hưng phấn của nhà đầu tư nên gia tăng sử dụng vay nợ.

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý II/2024 của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành) cho thấy, dư nợ margin đạt gần 218.900 tỷ đồng tính đến 30/6/2024, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 25,9% so với đầu năm 2024. Đây là mức dư nợ margin cao nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục 184.400 tỷ đồng cuối quý I/2024.

Trái với sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, thống kê trên sàn HOSE từ ngày 1/1 đến 23/7/2024, khối nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 59.383 tỷ đồng (tương đương 2,34 tỷ USD), nhất là từ tháng 4 đến nay.

“Tay to” chốt lời, đảo danh mục

Các công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh là nhóm nhà đầu tư đáng chú ý trên sàn. Nhóm này đã có động thái bán ra từ trước, nhằm hiện thực hóa lợi nhuận và tái cơ cấu danh mục. Báo cáo tài chính quý II/2024 của một số công ty chứng khoán đã cho thấy điều đó.

Chẳng hạn, tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT (mã VND), nếu như quý I/2024, công ty này tăng đầu tư cổ phiếu niêm yết trong khoản mục FVTPL thêm 421,6 tỷ đồng, lên 1.529,55 tỷ đồng, thì sang quý II/2024 giảm 245,7 tỷ đồng, xuống 1.283,8 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ duy trì khoản đầu tư vào 3 cổ phiếu có tỷ trọng lớn là VPB, HSG và ACB, VNDIRECT đã giảm 207,3 tỷ đồng ở các cổ phiếu khác, giá trị đầu tư giảm từ 636 tỷ đồng xuống 428,7 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán BIDV (mã BSI) tăng tài sản FVTPL trong quý I/2024 từ 14,7 tỷ đồng lên 605 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý II/2024 giảm xuống 414 tỷ đồng. Trong đó, từ 4 khoản đầu tư lớn vào cổ phiếu FPT (49,7 tỷ đồng), TCB (48,1 tỷ đồng), HPG (49,9 tỷ đồng), MWG (56 tỷ đồng) trong quý I, thì tính tới cuối quý II chỉ còn hai khoản đầu tư lớn là TCB (46,3 tỷ đồng) và HPG (49,9 tỷ đồng), đồng thời giảm 83,7 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu khác.

Tuy nhiên, không ít công ty chứng khoán tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu đang niêm yết.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán TP.HCM (mã HCM) tăng thêm 356,9 tỷ đồng nắm giữ cổ phiếu trong quý II/2024, lên 849,3 tỷ đồng. Công ty đã tăng đầu tư 74,6 tỷ đồng vào cổ phiếu FPT, nâng giá trị đầu tư lên 89,7 tỷ đồng. Giá trị đầu tư thêm cổ phiếu TCB là 57 tỷ đồng, lên 78,5 tỷ đồng; con số này tại cổ phiếu VPB là thêm 35,2 tỷ đồng, lên 56,9 tỷ đồng; tại cổ phiếu ACB là thêm 36,8 tỷ đồng, lên 54,5 tỷ đồng; tại cổ phiếu STB là thêm 24,8 tỷ đồng, lên 43,3 tỷ đồng.

Trong quý II/2024, Công ty Chứng khoán Vietcap (mã VCI) đầu tư thêm 570,4 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết trong khoản mục FVTPL, lên 975,5 tỷ đồng và thêm 391,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu niêm yết trong khoản mục AFS, lên 3.928,7 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán SSI (mã SSI) tăng thêm 475,1 tỷ đồng đầu tư trong quý II/2024 đối với các cổ phiếu nằm trong khoản mục FVTPL, nâng tổng giá trị đầu tư lên 1.130,2 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư thêm 497,3 tỷ đồng vào cổ phiếu VPB, nâng tổng giá trị đầu tư lên 831,2 tỷ đồng; tăng đầu tư vào cổ phiếu TCB với tổng giá trị đầu tư được nâng lên 95,7 tỷ đồng (đầu kỳ không ghi nhận đây là khoản đầu tư lớn) và ngược lại, giảm đầu tư vào cổ phiếu STB, HPG, FPT...

Đối với Công ty Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS), quý II/2024, Công ty đầu tư thêm 261,8 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết trong khoản mục FVTPL, lên 731,6 tỷ đồng (mua thêm cổ phiếu HSG, GEX…, nhưng bán ra cổ phiếu ACB, DBC…) và đầu tư thêm 247 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết trong khoản mục AFS, lên 417,8 tỷ đồng (mua thêm cổ phiếu CTG…, nhưng bán bớt cổ phiếu DBC, MWG).

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn