Techcombank muốn mở rộng hoạt động phía Nam, đánh giá BĐS khu vực này hấp dẫn hơn so với miền Bắc

Mở rộng hiện diện ở phía Nam

Tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024, các lãnh đạo Techcombank đã tiết lộ về kế hoạch mở rộng hiện diện tại khu vực phía Nam.  

Ông Jens Lottner, CEO Techcombank, cho biết logic đằng sau kế hoạch tập trung hơn vào thị trường miền Nam là bởi khu vực này hiện đóng góp tỷ trọng trong GDP lớn hơn miền Bắc. Ngoài ra, một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang chảy vào khu vực này. 

“Trong 10 năm, dự báo GDP của miền Nam sẽ lớn hơn cả Malaysia hiện nay. Việc chúng tôi không có sự hiện diện đáng kể ở khu vực này sẽ thật là lãng phí”, ông nói. 

Ông Jens Lottner, CEO Techcombank. (Ảnh: Techcombank).

Giải thích lý do trước đây Techcombank vẫn chưa “Nam tiến”, ông Lottner cho biết ngân hàng đã có “rất nhiều việc phải làm ở phía Bắc”. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng quy định về hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hàng năm, khiến Techcombank phải cân đối lựa chọn phân bổ dòng vốn. 

“Bởi hạn mức trên, chúng tôi không cảm thấy cần phải mở rộng xuống” phía Nam, ông giải thích. Ngoài ra, yếu tố về đầu tư cơ sở vật chất (chi nhánh, phòng giao dịch, ATM …) cũng được Techcombank xét đến khi lựa chọn địa bàn kinh doanh. 

Tuy nhiên, ông Lottner cho biết một số yếu tố đã thay đổi, thúc đẩy Techcombank xem xét tăng cường hoạt động tại khu vực phía Nam. Trước hết, “ở một khía cạnh nào đó, room tín dụng đã được nới hơn trước. Trong năm nay, NHNN đã có quan điểm mới mẻ trong việc điều hành tín dụng”, CEO Techcombank cho hay. 

Đồng thời, hiện đã có nhiều cách để tiếp cận khách hàng mà không cần phải xây dựng những cơ sở vật chất tốn kém. Với nền tảng kỹ thuật số và các công cụ tương tự, Techcombank có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn nhiều, ông cho hay. 

“Bởi vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để mở rộng xuống phía Nam”, ông Lottner nhấn mạnh. “Chúng tôi đang trong quá trình xem xét để có thể phân bổ thêm nguồn lực” cho khu vực này. 

CEO Techcombank tự tìn rằng mặc dù chưa thực sự hoạt động mạnh ở khu vực phía Nam, nhưng với những giá trị, giải pháp có thể mang đến cho người tiêu dùng … ngân hàng sẽ đạt được những thành công như ở miền Bắc. 

“Có những sự khác biệt giữa hai miền, chẳng hạn như khẩu vị đầu tư, rủi ro … và chúng tôi cần phải thích ứng. Tuy nhiên, tôi nghĩ các sản phẩm, con người và hệ thống của Techcombank đủ mạnh” để thành công ở miền Nam, ông Lottner khẳng định. 

Ngoài ra, ông cho biết trong trường hợp NHNN nới thêm hạn mức tín dụng, Techcombank sẽ có được cơ hội lớn từ việc tập trung hơn vào khu vực phía Nam. 

Dấu hiệu tích cực từ thị trường BĐS phía Nam

Đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, ông Alexandre Macaire, Giám đốc Tài chính của Techcombank, cho rằng trong thời gian sắp tới, khu vực phía Nam sẽ trở nên hấp dẫn tương đối so với miền Bắc. 

“Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi của thị trường BĐS. Vấn đề là sự phục hồi này không đồng đều giữa các khu vực địa lý ở Việt Nam, cũng như các phân khúc thị trường”, ông cho biết.

“Những diễn biến tại khu vực phía Nam đang rất tích cực, và chúng tôi đang nhận thấy hiệu ứng bắt kịp giữa giá BĐS tại miền Bắc và miền Nam”, CFO Techcombank nói thêm. Trong tương lai, khu vực phía Nam ngày càng trở nên hấp dẫn, giúp tăng thanh khoản và động lực cho thị trường. 

Danh mục cho vay doanh nghiệp và trái phiếu (bên trái) và danh mục cho vay bán lẻ (phải) của Techcombank. Lĩnh vực BĐS chiếm 58% cho vay doanh nghiệp và 73% cho vay cá nhân vào cuối quý III. (Ảnh: Techcombank). 

Ông Macaire nói thêm rằng xu hướng phục hồi của thị trường BĐS sẽ có tác dụng rất tích cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngân hàng nói riêng, đặc biệt với Techcombank. 

“Thứ nhất, sự phục hồi hoặc mở rộng của thị trường BĐS sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Ngoài ra, BĐS tăng giá cũng tạo ra hiệu ứng của cải, giúp hộ gia đình có thêm tài sản, từ đó cảm thấy giàu có hơn và có thể chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng trong nước và nền kinh tế nói chung”, ông nhận định. 

CFO Techcombank đánh giá BĐS sẽ là một yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7 đến 7,5%. Ngoài ra, thị trường BĐS với Techcombank còn đặc biệt quan trọng bởi ngân hàng cho danh mục cho vay tập trung nhiều vào lĩnh vực này. 

Sự phục hồi của BĐS có thể giúp chi phí rủi ro của Techcombank giảm bớt, hỗ trợ dự án sớm hoàn thành và thúc đẩy hoạt động vay mua nhà của cá nhân. Kết quả là ngân hàng có thể đa dạng hóa hơn nữa danh mục cho vay từ doanh nghiệp sang cá nhân, ông Macaire giải thích. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn