Techcombank muốn tự kinh doanh bảo hiểm nhân thọ
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (HoSE: TCB) vừa thông qua việc phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến 2 vấn đề quan trọng: Lấy ý kiến cổ đông phê duyệt việc góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là công ty con của ngân hàng; Phê duyệt mua lại cổ phần tại Công ty CP Bảo hiểm Phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns) nhằm đưa công ty bảo hiểm phi nhân thọ này trở thành công ty con của Techcombank.
Techcombank đang xin ý kiến cổ đông thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. |
Nếu các phương án trên được cổ đông thông qua, Techcombank sẽ trở thành công ty mẹ của 2 công ty bảo hiểm trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ.
Cách đây 3 tháng, Techcombank đã góp 11% vốn thành lập Công ty CP Bảo hiểm Phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns). Công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Việc thành lập các công ty bảo hiểm thành viên diễn ra trong bối cảnh Techcombank và Manunilfe chấm dứt phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền sau nhiều năm hợp tác vào cuối năm ngoái. Đây là một trong những thương vụ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) "đình đám" thời đầu, mang lại khoản phí trả trước và hoa hồng lớn hàng năm cho Techcombank.
Để hoàn tất việc kết thúc hợp đồng này, Techcombank đã phải trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife, số tiền lớn nhưng Techcombank cho biết đây là cơ hội làm mới mảng kinh doanh bảo hiểm theo hướng đi riêng với chiến lược "khác biệt khó sao chép", tiếp tục có những thay đổi và phục vụ khách hàng theo đúng nhu cầu.
Hậu chia tay, ông Jens Lottner, CEO của Techcombank, chia sẻ: “Chúng tôi muốn tham gia sâu hơn vào việc sản xuất và cung cấp sản phẩm bảo hiểm, thay vì chỉ đóng vai trò là đại lý phân phối”.
Không riêng Techcombank, một số ngân hàng khác trên thị trường nhiều năm nay đã tham gia vào mảng bảo hiểm phi nhân thọ như VietinBank, Agribank, MB, SHB, HDBank.
Giới chuyên gia nhận định, thiệt hại nặng nề của cơn bão Yagi trong năm qua cho thấy sự cần thiết và chú trọng nhiều hơn tới các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ phòng vệ trước rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng sẽ không bỏ lỡ cơ hội được tham gia sâu hơn vào việc sản xuất và cung cấp sản phẩm bảo hiểm, thay vì chỉ đóng vai trò là đại lý phân phối.
Kết quả kinh doanh năm 2024 vừa được Techcombank công bố cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 27,5 nghìn tỷ đồng – tăng 20,3%; tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 47,0 nghìn tỷ đồng – tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,9% với số dư CASA của Techcombank bao gồm số dư Sinh lời tự động, đạt mức cao kỷ lục gần 231 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank cũng cải thiện đáng kể, chỉ còn 1,17% từ mức 1,35% vào cuối quý III/2024. Số dư tiền gửi của khách hàng cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 565.100 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn