Tết năm nay, nhiều ngân hàng sẽ hết cảnh nghẽn giao dịch?

Core Banking (ngân hàng lõi) là hệ thống công nghệ thông tin được các ngân hàng sử dụng để quản lý và vận hành các hoạt động cốt lõi, bao gồm quản lý tài khoản khách hàng, xử lý giao dịch tài chính như gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản, cho vay, tiết kiệm và thanh toán hóa đơn. Đây là nền tảng trung tâm giúp ngân hàng lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin trên toàn hệ thống.

Hệ thống Core Banking cho phép tất cả các chi nhánh của ngân hàng hoạt động như một thể thống nhất, nhờ việc lưu trữ dữ liệu tập trung. Điều này giúp khách hàng có thể thực hiện giao dịch tại bất kỳ chi nhánh nào hoặc thông qua các kênh trực tuyến như mobile banking, internet banking. Giao dịch được xử lý thời gian thực, đảm bảo thông tin tài khoản và lịch sử giao dịch được cập nhật ngay lập tức.

Core Banking mang lại nhiều lợi ích quan trọng, như tăng hiệu quả vận hành, giảm thiểu công việc thủ công, và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra số dư, thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng mà không cần phải phụ thuộc vào chi nhánh mở tài khoản ban đầu. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp ngân hàng tích hợp với các công cụ quản lý khác như CRM, quản lý rủi ro và hệ thống thanh toán quốc tế, từ đó kiểm soát rủi ro tài chính hiệu quả hơn. Một số hệ thống Core Banking phổ biến hiện nay bao gồm Temenos T24, Finacle (Infosys), Flexcube (Oracle), và Mambu.

Đối với các ngân hàng, việc chuyển đổi hệ thống Core Banking có ý nghĩa to lớn trong hoạt động, đồng thời cũng là dự án hết sức phức tạp. Bởi Core Banking cũng có thể xem là “trái tim” của hệ thống công nghệ thông tin trong ngân hàng, và việc thay thế đồng nghĩa với việc ngân hàng vừa thay tim nhưng cũng vẫn phải tiếp tục chạy.

Trong 2 năm gần đây, nhiều ngân hàng đã hoàn tất việc cập nhật hệ thống Core Banking mới, được xem là tiền đề quan trọng cho việc bứt phá kinh doanh những năm tới, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hệ thống mới cho phép ngân hàng có khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của ngân hàng, và đặc biệt hạn chế những phát sinh do quá tải trong các giai đoạn cao điểm.

Chẳng hạn như LPBank đã hoàn tất việc chuyển đổi và đưa vào sử dụng hệ thống CoreBanking T24 của nhà cung cấp Temenos (Thụy Sĩ) từ tháng 5/2024. Tương tự, MSB cũng chuyển đổi thành công Core Banking từ tháng 5/2024, cũng sử dụng phiên bản được cung cấp bởi Temenos.

Trước đó, cuối năm 2023, một trong những ngân hàng có quy mô khách hàng lớn nhất Việt Nam là BIDV cũng đã hoàn tất việc chuyển đổi Core Banking. Hệ thống đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh với mức độ tăng trưởng giao dịch cao (trung bình 9-15 triệu giao dịch/ngày). Giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, hệ thống Core Banking của BIDV vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo giao dịch thông suốt cho khách hàng với tỷ lệ hoạt động liên tục của hệ thống đạt 99,94%. Trong 09 tháng đầu năm 2024, khối lượng giao dịch tài chính trên hệ thống đạt gần 3,3 tỷ giao dịch (tăng khoảng 50% so với 09 tháng đầu năm 2023), khoảng 80 tỷ giao dịch truy vấn; Tăng trưởng nền khách hàng từ 18,1 triệu khách hàng lên 20,8 triệu khách hàng, tăng 2,7 triệu khách sau 1 năm Golive Core Banking.

Bởi tầm quan trọng của việc chuyển đổi Core Banking, các ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để có thể hoàn tất việc chuyển đổi trong thời gian ngắn nhất có thể. Chẳng hạn như LPBank đã thực hiện chuyển đổi thần tốc trong 7 tháng. Còn tại BIDV, mặc dù hệ thống có quy mô rất lớn nhưng việc chuyển đổi được thực hiện xong trong 30 tháng, trong khi các dự án quy mô tương tự phải mất 4 năm thực hiện.

Xem thêm tại cafef.vn