TH làm siêu dự án; VNG rút IPO sàn Mỹ; Hà Đô xây cụm công nghiệp

Tập đoàn TH muốn làm siêu dự án du lịch

UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) mới đây có văn bản về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng quy mô gần 4 ngàn ha, vốn hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Văn bản ngày 23/01/2024 của UBND huyện cho biết, căn cứ theo thông báo số 464/TB-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng, về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, tại buổi làm việc với Tập đoàn TH về ý tưởng và đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, dự án tổ hợp nhà máy tuyển bô-xít, chế biến alumin, điện phân Nhôm Lâm Đồng 3 kết hợp các dự án mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn TH - Lâm Đồng.

Hồ ĐanKia – Suối Vàng địa phận huyện Lạc Dương

Theo đề nghị của CTCP Tập đoàn TH tại văn bản 11A/2024/CV-THG ngày 11/01/2024, về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng.

Qua đó, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan, Hạt Kiểm lâm, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, UBND thị trấn Lạc Dương rà soát, tổng hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng, theo các nội dung đề nghị của CTCP Tập đoàn TH tại văn bản nêu trên. Hoàn thành trước ngày 22/02/2024.

Dự án có quy mô lớn, với diện tích đất gần 4 ngàn ha, bao gồm 7 phân khu chức năng chính và hai phân khu nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch và các khu chức năng khác nằm ngoài phạm vi các phân khu.

Tổng mức đầu tư hơn 30,3 ngàn tỷ đồng (đã bao gồm 3,9 ngàn tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Theo đề xuất của UBND huyện, nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án bằng vốn chủ sở hữu, vốn vay thương mại, vốn huy động hợp pháp khác với vốn chủ sở hữu tối thiểu yêu cầu với nhà đầu tư là 15%, tương đương hơn 4,5 ngàn tỷ đồng; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác gần 25,8 ngàn tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của dự án là 70 năm. Tiến độ thực hiện từ quý 1/2023 đến quý 1/2033. Trong đó, từ quý 1/2023 – 4/2023 làm các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; quý 1/2024 - 3/2025 thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án, thiết kế, cấp phép xây dựng; quý 4/2025 - 4/2031 thực hiện thi công xây dựng, kinh doanh từng phần sản phẩm của dự án và quý 1/2032 – quý 1/2033 tiến hành nghiệm thu, bàn giao, vận hành, khai thác toàn bộ.

Tập đoàn Hà Đô đề xuất hai dự án cụm công nghiệp

Theo thông tin từ Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn đã có công văn gửi Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận về việc đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư Dự án Cụm công nghiệp (CCN) Phước Nam 1 và Phước Nam 2 (vị trí dự án gần Khu công nghiệp Cà Ná).

Dự án CCN Phước Nam 1 và CCN Phước Nam 2 đều có quy mô 50 ha.

Ngành nghề hoạt động của 2 cụm công nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tập đoàn Hà Đô chọn Ninh Thuận do có dư địa phát triển lớn, đang trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư

Về lý do chọn đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Hà Đô khẳng định địa phương có dư địa phát triển lớn, với vị trí cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận đang trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, đồng thời sẵn sàng ban hành những quyết sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…

Ninh Thuận cũng có lợi thế về quỹ đất công nghiệp khi hiện có 3 Khu công nghiệp đang hoạt động là Du Long, Phước Nam, Thành Hải, cùng Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Do vậy, Ninh Thuận được Tập đoàn Hà Đô xác định là địa bàn giàu tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển khu công nghiệp.

Tại tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Hà Đô hiện đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo như Dự án Nhà máy điện gió An Phong (xã Phước Dinh, 20 ha); Dự án Nhà máy điện gió số 7A (xã Phước Minh, 15 ha); Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước (xã Phước Thái và Phước Vinh, 58,7 ha)…

VNG xin rút đơn IPO trên sàn chứng khoán Mỹ

VNG quyết định chưa chào bán ra công chúng ở thời điểm hiện tại nên xin Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho rút hồ sơ IPO. Thông tin này được VNG Limited cho biết trong bản thông báo gửi SEC hôm 19/1.

Theo đó, VNG đề nghị SEC chấp thuận việc rút lại hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 đã nộp, bởi quyết định chưa chào bán ra công chúng (IPO) ở thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp này cũng khẳng định chưa có cổ phiếu nào đã hoặc sẽ được phát hành hay bán theo hồ sơ đã nộp.

VNG quyết định chưa chào bán ra công chúng ở thời điểm hiện tại 

Đại diện VNG từ chối bình luận về thông tin xin rút hồ sơ IPO trên sàn chứng khoán Mỹ.

VNG Limited cũng cho biết trong thông báo hôm 19/1 rằng, vẫn có ý định nộp lại hồ sơ đăng ký IPO trong tương lai. Do những khoản phí đã nộp sẽ không được hoàn lại, VNG Limited đề nghị SEC cho sử dụng trong trường hợp tiếp tục nộp hồ sơ xin IPO, căn cứ theo điều 457 của Luật Chứng khoán Mỹ.

Trước đó, cuối tháng 8/2023, VNG thông báo VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên SEC. VNG Limited - cổ đông lớn nhất của VNG - dự kiến chào bán ra công chúng cổ phiếu phổ thông loại A trên Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG.

VNG được thành lập năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng, và hiện đạt hơn 287 tỷ đồng, sau khi vừa hủy hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế là một trong những kế hoạch VNG ấp ủ từ lâu. Năm 2017, VNG đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn Nasdaq tại Mỹ.

Bkav ký hợp tác chiến lược hãng công nghệ Mỹ

Opswat (Mỹ) sẽ tích hợp phần Bkav Pro vào giải pháp chặn virus sử dụng đa ứng dụng Multiscanning, hiện sử dụng bởi hơn 1.400 tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu. Thông tin đưa ra trong lễ ký kết giữa Bkav và Opswat.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Bkav và Opswat

Hai đơn vị kỳ vọng cùng mang đến giải pháp phòng chống virus nâng cao cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế mặt tại Việt Nam, giúp họ bảo vệ hệ thống mạng trọng yếu trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, liên tục.

Đại diện Bkav cho biết, kết hợp Bkav Pro với nhiều chương trình phòng chống mã độc khác trên thế giới góp phần giúp Opswat Multiscanning tăng khả năng xác định, ngăn chặn mối đe dọa. Khi sử dụng đồng thời hơn 30 phần mềm anti-virus có trong giải pháp Multiscanning của Opswat, tỷ lệ phát hiện mã độc lên tới hơn 99%.

Bkav Pro có nhiều tính năng nổi bật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng công nghệ điện toán đám mây... Phần mềm giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian phát hiện mã độc có nguồn gốc từ Việt Nam lẫn khu vực lân cận.

Tại lễ ký kết, ông Lã Mạnh Cường, Phó chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển, Tổng giám đốc Opswat Việt Nam cho biết hào hứng khi hợp tác cùng Bkav - thương hiệu uy tín trong lĩnh vực an ninh mạng trong nước.

"Việc ký kết hợp tác là một bước tiến chiến lược của chúng tôi nhằm nâng cao chất lượng cho giải pháp bảo mật, phục vụ tốt hơn cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như khắp thế giới", ông Cường nói.

Đồng tình, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Opswat, ông Benny Czarny nêu cam kết mang đến giải pháp an ninh mạng tối ưu, giúp khách hàng bảo vệ hệ thống mạng IT, OT hiệu quả. Ông Benny Czarny phân tích, việc tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác công nghệ uy tín như Bkav thể hiện nỗ lực của đơn vị trong việc không ngừng tối đa hóa khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav cho biết đơn vị đang xúc tiến các hoạt động đẩy mạnh ra thị trường thế giới, trong đó có chính sách hợp tác tổ chức quốc tế. Ông nhấn mạnh: "Việc tham gia vào Opswat Multiscanning là một bước tiến để chúng tôi thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của mình".

Opswat có trụ sở chính tại Mỹ với 20 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp an ninh mạng cho hệ thống công nghệ thông tin (IT), công nghệ vận hành (OT) và điều khiển công nghiệp (ICS) của các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Đơn vị liên tục phát triển nền tảng an ninh mạng để bảo vệ, tuân thủ cho các hệ thống mạng phức tạp.

PVFCCo hợp tác cung ứng ure với đối tác Hàn

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cùng đại diện chính quyền thành phố Iksan (tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc) và Công ty Aton Industry (Hàn Quốc) mới đây đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) 3 bên về việc cung ứng ure.

Tại lễ ký kết, ông Đào Văn Ngọc, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành của PVFCCo cho biết, sau 20 năm hoạt động, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã cung cấp ra thị trường hơn 15 triệu tấn ure, trong đó có số lượng đáng kể cung cấp cho thị trường Hàn Quốc.

PVFCCo, đại diện chính quyền TP. Iksan và Công ty Aton Industry (Hàn Quốc) ký Biên bản ghi nhớ 3 bên về việc cung ứng ure

Ông Đào Văn Ngọc tin tưởng rằng, việc ký kết biên bản ghi nhớ lần này là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác kinh doanh giữa các bên.

Lãnh đạo PVFCCo cam kết, công ty sẽ ưu tiên cung cấp sản phẩm đảm bảo khối lượng và chất lượng theo yêu cầu của các đối tác. Ông hy vọng PVFCCo và các đối tác Hàn Quốc sẽ hợp tác lâu dài, hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Trước mắt, dự kiến mỗi tháng PVFCCo sẽ cung ứng 1.500 tấn ure cho đối tác Aton và thành phố Iksan để sản xuất dịch ure.

Về phía đối tác Hàn Quốc, ông Jeon Heon Yool, Thị trưởng thành phố Iksan và ông Kim Gi-won, Chủ tịch Công ty Aton cảm ơn PVFCCo đã cam kết cung cấp ure cho thành phố Iksan và Công ty Aton. Điều này giúp thành phố và công ty có được nguồn cung ure ổn định trong dài hạn, giảm bớt lo lắng cho chính quyền và người dân thành phố, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới bất ổn và ngày càng khó khăn về nguồn cung nguyên liệu trên toàn cầu. Đồng thời, góp phần vào sự phát triển của PVFCCo và Aton trong thời gian tới.

Xem thêm tại baodautu.vn