Tham vọng của doanh nhân Lương Minh Tường và loạt sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Phúc Lộc
Hệ sinh thái Tập đoàn Phúc Lộc
Ông Lương Minh Tường (sinh năm 1973) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng lại là một đại gia có tiếng tại Ninh Bình. Tại mảnh đất này, ông xây dựng cơ nghiệp Tập đoàn Phúc Lộc trở thành một trong những tên tuổi trong ngành xây dựng - hạ tầng.
Tập đoàn Phúc Lộc (Phúc Lộc Group) tên đầy đủ là Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc khai sinh tháng 4/2010. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ khủng tới 2.689 tỷ đồng (cập nhật tháng 9/2019).
Từ cuối tháng 1/2024, Tổng giám đốc Vũ Trọng Kiên (sinh năm 1975) cùng với Chủ tịch Lương Minh Tường đứng tên đại diện doanh nghiệp này.
Dấu ấn của Phúc Lộc Group là loạt dự án hạ tầng như: Dự án Đường bao Đông Nam quận Hải An (tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, Hải Phòng); Dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa; Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn; Dự án BOT cầu Bạch Đằng (tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng)....
Phụ trách lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Phúc Lộc Group là Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc (Công ty KCN Phúc Lộc) được thành lập tháng 3/2014 với mục đích thực hiện KCN Phúc Sơn.
Thời điểm mới thành lập, ông Lương Minh Tường đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Từ tháng 7/2015, ông Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1977) là Tổng giám đốc và hiện đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.
Với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của KCN Phúc Lộc lúc bấy giờ gồm: Ông Tường góp 23 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc góp 75 tỷ đồng và ông Dũng góp 2 tỷ đồng.
Sau 4 lần điều chỉnh, từ tháng 7/2021 đến nay, Công ty KCN Phúc Lộc có vốn điều lệ 375 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Ngoài KCN Phúc Sơn, tại Ninh Bình, Tập đoàn Phúc Lộc còn triển khai đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Phúc lộc tại Khu công nghiệp Khánh Phú. Đây là dự án đồng bộ bao gồm cảng khô ICD, cảng thủy, kho ngoại quan, điểm thông quan... thể hiện tham vọng của doanh nghiệp này trong lĩnh vực dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cũng phụ trách lĩnh vực bất động sản còn có Công ty cổ phần - Tổng Công ty Địa ốc Phúc Lộc thành lập tháng 5/2016. Đến tháng 4/2018, công ty tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Tập đoàn Phúc Lộc chiếm 99,8%, hai cổ đông cá nhân còn lại là ông Lương Minh Tường và ông Vũ Văn Vương.
Hiện ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT KCN Phúc Lộc cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Địa ốc Phúc Lộc.
Trong hệ sinh thái Phúc Lộc Group, ông Tường còn cùng em trai Lương Minh Tuyên (sinh năm 1977) sáng lập Công ty TNHH Phúc Lộc vào năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình. Ban đầu, Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm 2 cổ đông sáng lập là Lương Minh Tường (98% vốn điều lệ) và Lương Minh Tuyên (2% vốn điều lệ) giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Năm 2015, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Phúc Lộc thay đổi, ông Lương Minh Tường không còn là cổ đông sáng lập. Thay vào đó là Tập đoàn Phúc Lộc với tỷ lệ sở hữu 99%, đồng thời vốn điều lệ tăng lên con số 250 tỷ đồng.
Đến tháng 2/2019, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần - Tổng Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính vẫn là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Vốn điều lệ 250 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông tại thời điểm này gồm: Tập đoàn Phúc Lộc chiếm 90%, Chủ tịch Lương Minh Tuyên chiếm 5%, bà Lê Thu Trang chiếm 5%.
Ngoài ra, hệ sinh của đại gia Lương Minh Tường còn có nhiều pháp nhân khác hoạt động tại các tỉnh thành khắp cả nước như: Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hải Phòng, Công ty Cổ phần Phúc Lộc Quảng Ngãi hay các doanh nghiệp dự án như: Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, Tổng công ty Đầu tư PPP Việt Nam – CTCP...
Âm thầm thâu tóm Cienco 8
Tham vọng của doanh nhân Lê Minh Tường trong lĩnh vực hạ tầng phải kể tới thương vụ thâu tóm Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8).
Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đầu năm 2014), vốn điều lệ của Cienco 8 là 350 tỷ đồng, tương đương phát hành 35 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17,15 triệu cổ phần, chiếm 49% vốn điều lệ; 21% cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược; bán đấu giá công khai hơn 10 triệu cổ phần, tương đương 28,6% vốn điều lệ; 1,4% còn lại phát hành cho người lao động.
Ba cổ đông chiến lược của Cienco 8 là: CTCP Cầu đường Long Biên góp 35 tỷ đồng (chiếm 10% tỷ lệ vốn điều lệ), CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC góp 21 tỷ đồng (chiếm 6% tỷ lệ vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam góp 17,5 tỷ đồng (chiếm 5% tỷ lệ vốn điều lệ).
Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ GTVT đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp giao thông (nhóm Cienco). Từ năm 2014-2015, Cienco 8 tiếp tục chào bán cổ phần công khai thêm nhiều lần nhưng đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
Các cổ đông chiến lược Cienco 8 sau đó âm thầm thoái vốn. Tháng 10/2015, ông Lương Minh Tường được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Cienco 8. Khi đó, giới đầu tư mới bất ngờ trước việc ông Lương Minh Tường và vợ là bà Đinh Thị Hương Giang đã hoàn tất việc mua vốn nhà nước, và từ các cổ đông chiến lược với tổng cộng 51,99% tổng số cổ phần tại Cienco 8.
Sau khi nhóm cổ đông Tập đoàn Phúc Lộc nắm quyền chi phối, Cienco 8 tăng vốn điều lệ lên 589,9 tỷ đồng. Lúc này, cổ đông Nhà nước chỉ nắm khoảng 18% vốn điều lệ trong khi nhóm cổ đông Phúc Lộc chiếm tỷ lệ chi phối với 78,51%.
Sau đó, Liên danh Phúc Lộc - Cienco 8 đã trúng thầu nhiều dự án hạ tầng, nổi bật là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (Dự án sông Cầu) theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP - Hợp đồng BT tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.211,61 tỷ đồng.
Liên tục bị réo tên vì loạt sai phạm
Dù ghi dấu ấn ở nhiều công trình lớn nhưng trong hơn 10 năm phát triển, Tập đoàn Phúc Lộc cũng để lại nhiều nốt trầm khi các dự án liên tục vướng sai phạm.
Đầu tháng 2/2024, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa qua đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình.
Tại đây, TTCP đã chỉ ra một số sai phạm tại khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn do Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Phúc Sơn (đất công nghiệp). Điều này, chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng 2014, khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2014.
Đồng thời, UBND tỉnh cho thuê đất đối với 3/4 dự án thương mại, dịch vụ nêu trên không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp trên chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 6 dự án trong khu công nghiệp chưa đảm bảo hồ sơ yêu cầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.
Từ kết quả thanh tra trên, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cần xử lý đúng thẩm quyền, bảo đảm đúng chức năng sử dụng đất của khu công nghiệp đồng thời rà soát, tính đúng, đủ tiền thuê đất; yêu cầu Công ty KCN Phúc Lộc nộp đủ, không để thất thoát ngân sách.
Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Bình Định giao cho Tập đoàn Phúc Lộc làm nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức BT. Đồng thời, giao dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa (TP. Quy Nhơn) để thanh toán, cho nhà đầu tư triển khai cùng lúc.
Tuy nhiên, tại thông báo kết luận thanh số 1348 ngày 9/8/2019, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm của Phúc Lộc Group trong việc triển khai hai dự án trên.
Cụ thể, theo TTCP, dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định quản lý xây dựng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế, bản vẽ thi công - dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt; chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT, Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa và kinh phí rà phá bom mìn vật nổ, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (7,6ha), chậm xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Ban Quản lí dự án đã chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng hai dự án BT, thiếu quyết liệt trong việc xử lí vi phạm đối với nhà đầu tư.
Ngoài ra, Bình Định còn phê duyệt dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp Hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng sông Hà Thanh có tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng (gồm 90% ngân sách Nhà nước và 10% là ngân sách địa phương) khi chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở nên không triển khai thực hiện được.
Xem thêm tại cafef.vn