Tham vọng 'holdings' của Viconship
Tham vọng 'holdings'
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị chuyển nhượng vốn góp từ cổ đông của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên tối đa 100%.
Hiện Viconship sở hữu 35% vốn của Cảng Nam Hải Đình Vũ. Công ty dự kiến nhận chuyển nhượng tối đa 65% vốn còn lại từ hai công ty khác.
Giá trị mỗi phần vốn nhận chuyển nhượng là 83.800 đồng/cổ phần, tương đương tổng số tiền giao dịch nhận chuyển nhượng là gần 2.200 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn thu trong đợt phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (giá 10.000 đồng/cổ phiếu) và nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Đồng thời, HĐQT cũng ra thêm nghị quyết thông qua phương án vay vốn với tổng hạn mức 1.450 tỷ đồng tại Eximbank để thực hiện giao dịch nhận chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Viconship là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng có quy mô và tuổi đời hàng đầu Việt Nam. Với hệ thống 11 công ty con và 3 công ty liên kết, Viconship có hệ sinh thái kinh doanh hoàn chỉnh bao gồm hệ thống cảng biển, kho bãi và phương tiện vận tải, tập trung chủ yếu tại đảo Đình Vũ, quận Hải An, TP. Hải Phòng.
Những năm gần đây, Công ty thay đổi chiến lược khi tập trung để trở thành một “holdings” – không trực tiếp tham gia hoạt động mà chuyển sang đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) để nắm giữ các công ty cảng hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2023, Viconship khởi động kế hoạch này khi mua lại 35% cổ phần của Cảng Nam Hải Đình Vũ từ tay Gemadept với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Sang năm nay, Công ty tiếp tục huy động vốn để hoàn tất sở hữu 100% cảng này.
Việc sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU và chiếm 30% thị phần. Viconship cho biết, Cảng Nam Hải Đình Vũ đã bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào hệ thống Công ty.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Viconship ước đạt 1.050 tỷ đồng doanh thu và 170 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2024, Công ty dự thu 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 320 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023.
Điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược M&A nằm ở nguồn lực. Vì vậy, các kế hoạch huy động vốn của Vinconship là tâm điểm tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.
Tại cuộc họp, Công ty đã hủy bỏ phương án phát hành riêng lẻ được thông qua năm 2022. Thay vào đó, Viconship sẽ huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức, tổ chức tín dụng... thông qua hợp đồng hợp tác, liên doanh, hợp đồng vay, phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc ra công chúng đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật.
Kế hoạch gọi vốn này có thể hiểu nhằm giảm bớt rủi ro pha loãng tỷ lệ sở hữu tại Công ty. Trên thực tế, cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay của Vinconship đã không thể diễn ra trong lần đầu do không đủ tỷ lệ tham dự. Phải đến lần thứ hai, khi tỷ lệ biểu quyết tối thiểu giảm xuống, Công ty mới có thể tiến hành đại hội.
Vốn huy động được sẽ được Công ty dùng để đầu tư nhận chuyển nhượng để đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển với tổng vốn đầu tư dự kiến tối đa là 500 tỷ đồng; đầu tư tài chính với số tiền dự kiến 500 tỷ đồng; và đặt cọc để đầu tư vào một cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng với số tiền dự kiến 1.000 tỷ đồng.
Kế hoạch sử dụng tiền của Viconship phần nào phản ánh tham vọng của doanh nghiệp, không chỉ muốn hoàn thiện hệ sinh thái cảng mà tiến sang cả lĩnh vực vận tải biển.
Thực tế, cuối năm ngoái, Viconship từng đẩy mạnh vị thế của mình tại CTCP vận tải và xếp dỡ Hải An, một trong những doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu Việt Nam. Viconship liên tục mua vào cổ phần và trở thành cổ đông lớn, có giai đoạn nắm tới 7,53% xếp dỡ Hải An.
Mặc dù vậy, đến đầu tháng 5/2024, Viconship lại liên tục bán ra cổ phiếu HAH của xếp dỡ Hải An và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,53%, đồng thời không còn là cổ đông lớn của công ty này.
Mặt khác, Viconship cũng quyết liệt thoái vốn khỏi những lĩnh vực ngoài ngành. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Công ty đã thông qua phương án thoái vốn khỏi dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng.
Ban lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty sẽ tập trung nguồn lực cho các mảng kinh doanh cốt lõi, thay vì đầu tư dàn trải vào những mảng kinh doanh không trọng yếu.
Dự án Khách sạn Hyatt Place có vị trí tại trung tâm TP Hải Phòng, với quy mô 2.000 m2 và tổng mức đầu tư 1.423 tỷ đồng. Dự án do T&D Group hợp tác với các công ty con của Viconship. Trong đó, các công ty con của Viconship đã góp 823,6 tỷ đồng và T&D Group góp 600 tỷ đồng để tham gia đầu tư.
Tiền góp vốn gốc của các công ty con của Vinconship để thực hiện dự án đầu tư được hoàn trả bởi T&D Group từ năm 2024 trở đi. Cụ thể từ năm 2024, thanh toán tối thiểu 5 tỷ đồng/năm. Từ năm 2028, thanh toán tối thiểu 15 tỷ đồng/năm và từ năm 2035 thanh toán tối thiểu 34,25 tỷ đồng/năm.
Những kế hoạch tái cấu trúc hoạt động theo hướng holdings của Viconship đã thu hút được các nhà đầu tư tài chính. Gần đây, công ty TNHH MTV quản lý quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) đã mua vào 9,2 triệu cổ phiếu VSC của Vinconship, nâng sở hữu lên 22 triệu cổ phần, tương đương 8,25% vốn điều lệ Công ty.
Triển vọng
Đánh giá tiềm năng của Viconship, các công ty phân tích nhìn nhận doanh nghiệp được hưởng lợi từ tiềm năng phục hồi toàn ngành cảng biển.
Công ty chứng khoán SSI tin tưởng ngành logistics có thể phục hồi về sản lượng nhờ hoạt động sản xuất đang gia tăng, từ đó làm giảm áp lực lên giá cước trung bình. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu giảm cũng là một yếu tố tích cực.
Trong dài hạn, ngành cảng biển toàn Đông Nam Á đang hưởng lợi mạnh mẽ từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhưng đang mất dần thị phần vào tay Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó Việt Nam là nước đạt mức tăng mạnh nhất, từ tỷ trọng 6% (2016) lên 13% (2022).
Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, chiến lược hợp nhất của Viconship có thể gặp khó khăn trong giai đoạn đầu.
Chẳng hạn, với thương vụ mua lại Cảng Nam Hải Đình Vũ từ tay Gemadept, dù sau khi hợp nhất Viconship sở hữu công suất thiết kế lớn nhất Hải Phòng, song Gemadept lại sẽ giữ lại tệp khách hàng và chuyển dần về Cảng Nam Đình Vũ.
Điều này có thể khiến Viconship gặp khó khăn ban đầu trong thu hút các hãng tàu. Tuy nhiên, về dài hạn thì đây vẫn là động lực tăng trưởng của Viconship khi liên kết ba cảng VIMC Đình Vũ, VIP Green có vị trí liền kề nhau tạo bến liền mạch dài 1.600 m sẽ phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả.
Mặt khác, việc đẩy mạnh chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động M&A trong thời gian ngắn cũng sẽ tác động tới tình hình tài chính của Viconship. VCBS đánh giá, Viconship sẽ phải đối mặt với chi phí lãi vay và chi phí lợi thế thương mại tăng cao. Hơn nữa, từ năm 2025, tại khu vực Hải Phòng, nguồn cung có thể tăng mạnh, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp.
Xem thêm tại theleader.vn