Thanh khoản 'suy kiệt' trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index giằng co quanh vùng kháng cự

Tạm dừng phiên giao dịch sáng 28/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.255,54 điểm, giảm 3,69 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt gần 5.900 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước.

Lực cầu suy yếu khiến sắc đỏ lan rộng. Trên sàn HoSE, số lượng cổ phiếu giảm điểm lên tới 254 mã, áp đảo so với 81 cổ phiếu đứng giá và 204 cổ phiếu tăng giá. Trên sàn HNX và UPCoM, diễn biến có phần tích cực hơn khi sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, sàn HNX có 59 mã giảm trong khi có 67 mã tham chiếu và 69 mã tăng. Trên UPCoM, có 104 mã giảm, 68 mã tham chiếu và 125 mã tăng.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên sàn HoSE và nhóm VN30

Tại nhóm VN30, BID, PLX, VHM, FPT, SHB và VJC là những cổ phiếu giảm mạnh nhất khi mất từ 1,5% - 3,5%. Áp lực giảm của các mã này cùng với một số bluechip khác như HPG, MWG, VNM, GVR đã lấy đi hơn 5 điểm của chỉ số VN-Index.

Ở chiều ngược lại, SSB là cổ phiếu tích cực nhất khi tăng hơn 3%, theo sau là SAB và VRE với mức tăng lần lượt 1,3% và 1,4%. Cùng với VCB, GEE, VIC, HAG, NVL, các cổ phiếu này đã đóng góp hơn 2,6 điểm vào chiều tăng của thị trường.

Dòng tiền trong phiên sáng nay có xu hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu giá rẻ. Ở nhóm chứng khoán, ORS và WSS là hai mã tăng mạnh nhất, ghi nhận mức tăng từ 4% - 6%. Điểm chung của hai cổ phiếu này là đã chiết khấu sâu từ vùng đỉnh và đang có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn. Các mã khác như BSI, FTS, HCM, VND... cũng giao dịch tích cực, tăng nhẹ quanh 1%.

Tại nhóm bất động sản, tình trạng phân hóa tiếp tục diễn ra. NVL duy trì xu hướng tăng, đóng cửa cao hơn tham chiếu 3,23%. Các cổ phiếu như QCG, HQC, DIG, NTL... tăng quanh 1%. Trong khi đó, PDR, NLG, KDH, TCH, VHM giảm từ 1% - 3%.

Nhóm thép có diễn biến tích cực hơn mặt bằng chung, với các cổ phiếu TVN, NKG, HSG, VGS giữ được sắc xanh, tăng từ 1% - 3%. Ngược lại, "anh cả" HPG giảm 1,17% với thanh khoản ở mức thấp.

Ở nhóm công nghệ, cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Viettel ghi nhận diễn biến khả quan với VTP và CTR tăng từ 2% - 4%, trong khi VGI giữ giá tham chiếu. Các mã FOC, FOX, CMG... cũng duy trì sắc xanh với mức tăng từ 1% - 3%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may, thủy sản và cao su sau nhịp hồi phục vào cuối tuần trước đã có dấu hiệu suy yếu nhẹ trong phiên sáng nay. Thanh khoản của các cổ phiếu này thấp hơn mức trung bình 20 phiên, mức giảm dao động từ 1% - 2%.

Việc thanh khoản toàn thị trường sụt giảm trước kỳ nghỉ lễ là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh chính sách thương mại thế giới còn nhiều bất ổn. Dự báo về thị trường chứng khoán, Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) kỳ vọng, VN-Index sẽ hướng tới vùng kháng cự 1.270 – 1.300 điểm, được xem là mốc cân bằng trước khi thông tin về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam chính thức được công bố.

Thận trọng hơn, nhóm phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định VN-Index vẫn đang suy yếu dưới vùng kháng cự quanh 1.240 điểm, tương ứng với đường giá trung bình 200 tuần. Hiện tại, chỉ số đang nỗ lực tạo vùng cân bằng quanh ngưỡng 1.200 điểm — vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng, cũng là mức giá trung bình của 5 năm gần đây và vùng đỉnh cao nhất năm 2018.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn