Sau thời gian ngắn đầu phiên thử thách ngưỡng kháng cự 1.160 điểm, thị trường đã nhanh chóng hạ nhiệt trước tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Chỉ số VN-Index một lần nữa thất bại tại vùng giá này và đã duy trì trạng thái giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu với biên độ khá hẹp trong gần suốt thời gian của phiên sáng và cả phiên giao dịch chiều.
Tuy nhiên, phiên giao dịch chiều có phần ảm đạm hơn. Sau những nhịp bật hồi để tìm lại vùng giá 1.160 điểm nhưng bất thành, bên bán dần mất kiên nhẫn đã gia tăng sức ép lên thị trường và chỉ số VN-Index đã không thể giữ được ngưỡng kháng cự, đảo chiều điều chỉnh nhẹ trong đợt khớp lệnh ATC.
Thị trường khép lại phiên đầu tuần giảm nhẹ chưa tới 1 điểm, nhưng có khá nhiều tín hiệu kém lạc quan với sắc đỏ chiếm áp đảo, gần gấp đôi số mã tăng và nếu không nhờ bộ đôi lớn nhà bank là VCB – BID “gánh vác” khi đóng góp tới gần 2,7 điểm cho chỉ số chung thì VN-Index sẽ còn “đi xa hơn nhiều”. Một điểm đáng chú ý khác là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua, kể từ phiên 22/12/2022 đến nay.
Đóng cửa, sàn HOSE có 181 mã tăng và 311 mã giảm, VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,05%) xuống 1.154,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 617,15 triệu đơn vị, giá trị 12.657,85 tỷ đồng, cùng giảm hơn 43% về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,5 triệu đơn vị, giá trị 1.124,22 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cặp đôi VCB và BID đóng vai trò là các má phanh. Kết phiên, VCB tăng gần 1,5% lên sát vùng giá cao nhất trong ngày 90.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong gần 6 tháng của cổ phiếu này, kể từ cuối tháng 7/2023. Trong khi đó, BID vẫn giữ mức tăng tốt hơn so với bối cảnh chung, đóng cửa tăng 1,3% lên mức 46.600 đồng/CP.
Cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm ngân hàng là OCB khi đóng cửa tăng 2,68% lên mức 15.300 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong khoảng 1,5 năm qua của cổ phiếu này. Đồng thời, thanh khoản OCB vẫn là sôi động so với thanh khoản thị trường khá yếu, với xấp xỉ 6 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Mặc dù kết phiên số mã giảm điểm trong dòng bank chiếm tới 2/3, nhưng với sự dẫn dắt của cặp đôi lớn trên, cùng một số mã như HDB, MBB, VIB, OCB thoát hiểm thành công, đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ, đi ngược xu hướng thị trường chung. Tuy nhiên, diễn biến ngược chiều này đã có phần đuối sức so với phiên cuối tuần trước ngày 12/1.
Về thanh khoản thì cặp đôi SHB và MBB vẫn sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 37,22 triệu đơn vị và hơn 25 triệu đơn vị, đóng cửa SHB giảm 1,2% xuống mức thấp nhất ngày, trong khi MBB vẫn giữ sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,5% và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày 21.400 đồng/CP.
Mặt khác, cùng xu hướng kém khả quan của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã trở thành nhóm giảm mạnh nhất. Ngoại trừ duy nhất TVS đóng cửa tăng 0,2%, còn lại đều giảm sâu hơn, đáng kể là SSI, VND, FTS, CTS, AGR cùng giảm hơn 2%. Trong đó, SSI đóng cửa giảm 2,5%, VIX giảm 1,5%, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21-22 triệu đơn vị.
Xét về vốn hóa thị trường, tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu vừa và nhỏ RDP đã được giải cứu sau 2 phiên nằm sàn và đã nóng trở lại. Đóng cửa, RDP tăng kịch trần lên mức 9.360 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 3,27 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh, đặc biệt tập trung vào nhóm HNX30, đã khiến thị trường lùi sâu.
Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,2%) xuống 227,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,38 triệu đơn vị, giá trị 1.163,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 40,83 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chìm trong sắc đỏ khi có tới 22 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng, kết phiên nhóm này giảm tới gần 10 điểm.
Trong đó, HUT bất ngờ bị xả mạnh trong phiên chiều, đóng cửa giảm 4,5% xuống mức thấp nhất trong ngày 19.300 đồng/CP, thanh khoản vọt tăng mạnh với hơn 8,2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã giao dịch sôi động khác cũng nới rộng biên độ giảm như SHS giảm 1,6% và khớp 14,67 triệu đơn vị, CEO giảm 2,3% và khớp 7,22 triệu đơn vị, MBS giảm 2,2% và khớp 3,58 triệu đơn vị…
Mặt khác, ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu MBG vẫn tỏa sáng, đóng cửa tăng 8% lên mức 5.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 4,38 triệu đơn vị.
Trái lại, TKG bị bán tháo và đóng cửa nằm sàn tại mức giá 12.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 1,14 triệu đơn vị và dư bán sàn vài trăm nghìn đơn vị.
Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên nỗ lực tìm lại mốc tham chiếu nhưng không thành, thị trường đã giật lùi và nới rộng biên độ giảm do lực bán dâng cao.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,33%) xuống 86,61 điểm với 111 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,29 triệu đơn vị, giá trị 350,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,4 triệu đơn vị, giá trị 115,35 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, một số mã vừa và nhỏ trên UPCoM có diễn biến ngược xu hướng chung, như BOT đóng cửa tăng 10% lên sát trần 3.300 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua ABB với hơn 2,26 triệu đơn vị giao dịch; HSV có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 7,7% lên mức 8.400 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM đua nhau điều chỉnh giảm như ABB giảm %, BVB giảm 0,9%, VAB giảm 1,4%, VBB giảm 2,8%, KLB giảm 2,4%... Ngoại trừ NAB may mắn giữ sắc xanh nhưng chỉ tăng nhẹ 0,6%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng tương lai VN30F401 sẽ đáo hạn trong tuần tới vào ngày 18/1, đã giảm 3,2 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.162,7 điểm, khớp lệnh gần 168.200 đơn vị, khối lượng mở 56.010 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động nhất là CHPG2325 khớp 3,37 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 23,8% xuống 160 đồng/cq; tiếp theo là CMBB2308 khớp 2,48 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,3% lên 800 đồng/cq.