Thanh khoản thấp nhất hơn 1 năm, bluechip giúp VN-Index “tìm lại” mốc 1.240 điểm

Sau diễn biến có phần bớt tiêu cực hơn trong cuối phiên chiều qua, áp lực bán tiếp tục suy giảm khi bước vào phiên giao dịch sáng ngày 26/7, đã nhanh chóng giúp VN-Index đảo chiều khởi sắc trở lại nhưng thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp do dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn không mấy cải thiện nhưng việc tiết cung giá thấp là động lực chính giúp bảng điện tử trở nên xanh hơn và VN-Index có những nhịp nới nhẹ biên độ để tiếp cận mốc 1.240 điểm.

Sau khoảng 2/3 thời gian giao dịch khá nỗ lực nhưng không thành, thậm chí có thời điểm VN-Index bị đẩy về sát mốc tham chiếu trước khi bật tăng khá tốt về cuối phiên. Thị trường đã khép lại phiên cuối tuần với mức tăng khá tốt xấp xỉ 9 điểm và VN-Index “tìm lại” được mốc 1.240 điểm với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và khối lượng giao dịch trên sàn HOSE trong phiên hôm nay đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, kể từ phiên 20/4/2023, còn giá trị giao dịch thuộc top 3 phiên thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Chốt phiên, sàn HOSE có 284 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 8,92 điểm (+0,72%) lên 1.242,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 458,8 triệu đơn vị, giá trị 11.853,7 tỷ đồng, giảm 5,3% về khối lượng và nhích nhẹ 1,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,5 triệu đơn vị, giá trị 1.735,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên tăng gần 10 điểm khi có tới 22 mã tăng, 5 mã đứng giá và chỉ còn 3 mã giảm. Trong đó, 3 cổ phiếu Vingroup thiếu sự đồng thuận với nhóm bluechip khi VRE giảm 2%, VHM giảm nhẹ 0,1% và VIC đứng giá tham chiếu. Ngược lại, cổ phiếu POW vẫn tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 5% lên mức 13.550 đồng/Cp và thanh khoản thuộc top sôi động với 12,85 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bộ 3 mã lớn gồm BCM, MSN và FPT đều nới rộng biên độ tăng, là các động lực chính đã đóng góp gần 3 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên, BCM tăng 4,9% lên mức 72.500 đồng/CP, MSN và FPT lần lượt tăng 4,2% và 2,4%, đều đứng tại mức giá cao nhất trong ngày, tương ứng là 74.000 đồng/CP và 128.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi DHM và HVH là 2 cổ phiếu duy nhất trên sàn HOSE khoe sắc tím, thì cặp đôi QCG và LDG đà bán tháo vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Kết phiên, QCG khớp hơn 0,1 triệu đơn vị và dư bán sàn 6 triệu đơn vị, trong khi LDG khớp hơn 0,6 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 23,76 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là HVN. Cổ phiếu này đã được giải cứu thành công sau chuỗi 10 phiên lao dốc, trong đó có 6 phiên nằm sàn. Kết phiên, HVN tăng 3,47% lên mức 20.900 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường, đạt hơn 9,68 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn FPT, nhóm công nghệ thông tin đã trở lại vị trí tăng tốt nhất thị trường khi có thêm ICT tăng 2,68%, CMG tăng 5,81%, CTR tăng 3,1%...

Trong khi đó, cặp đôi trụ cột là ngân hàng và chứng khoán đều đóng cửa tăng nhẹ. Ở nhóm ngân hàng, dù sắc xanh chiếm ưu thế nhưng chủ yếu chỉ tăng nhẹ với CTG, MBB, OCB, STB tăng hơn 1%, còn chủ yếu tăng chưa tới 0,5%; trong khi cặp đôi lớn VCB và TCB đứng giá tham chiếu; còn LPB vẫn là mã giảm mạnh nhất ngành khi đóng cửa giảm 3,3% xuống mức 29.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,35 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, diễn biến có phần phân hóa với các mã tăng giảm đều trong biên độ trên dưới 1%. Trong đó, VIX giao dịch sôi động nhất thị trường với 20,24 triệu đơn vị, tuy nhiên đóng cửa là cổ phiếu giảm mạnh nhất ngành khi để mất 1,8% xuống mức 13.800 đồng/CP.

Trên sàn HNX, thanh khoản thị trường cũng rơi xuống mức thấp nhưng HNX-Index đã kết phiên ở mức giá cao nhất ngày nhờ sự hậu thuẫn của nhóm HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 97 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,4 điểm (+0,6%) lên 236,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,78 triệu đơn vị, giá trị 658 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị 138,94 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng cửa tăng hơn 4 điểm khi có 20 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, các mã giảm như CEO, SLS, CAP, L14, NVB… trong biên độ trên dưới 1%; ngược lại HLD tăng tốt nhất 3,7%, tiếp theo PVG tăng 2,9%, L18 tăng 2,6%, DTD tăng 2,4%, VC3 tăng 2,2%, PVS tăng 2% và khớp 2,54 triệu đơn vị...

Về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán khởi sắc hơn với MBS đảo chiều tăng 1,6% lên mức giá cao nhất ngày 31.000 đồng/CP, SHS cũng tăng 1,2% lên mức 16.800 đồng/CP với khối lượng khớp xấp xỉ 5,7 triệu đơn vị, VFS cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,6%, APS tăng 1,4%...

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên chiều lình xình dưới mốc tham chiếu, UPCoM-Index nhận tín hiệu tích cực từ thị trường niêm yết cũng đã khởi sắc trở lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,71%) lên 95,18 điểm với 217 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 41,1 triệu đơn vị, giá trị 449,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 53,88 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 1,4% lên mức giá 22.000 đồng/CP và vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất với hơn 4,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, mã cùng ngành là OIL khởi sắc hơn khi đóng cửa tăng 6,6% lên mức giá cao nhất ngày 14.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý là DGT với giao dịch đột biến cả về giá và thanh khoản. Đóng cửa, DGT tăng 14,8% lên mức giá trần 9.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua BSR, đạt 3,54 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 7,46 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu DGT cũng bất ngờ được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường, tới gần 1,12 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, VN30F2408 tăng 8,4 điểm, tương đương +0,7% lên 1.285 điểm, khớp lệnh gần 164.110 đơn vị, khối lượng mở hơn 66.570 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, cặp đôi giao dịch sôi động nhất thị trường là CVHM2313 và CVPB2315 lần lượt đạt 3,55 triệu đơn vị và 3,05 triệu đơn vị, đều đóng cửa tại mốc tham chiếu, tương ứng là 60 đồng/cq và 180 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn