Thanh khoản tỷ đô trở lại, ngành thép đã qua cơn bĩ cực

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt

Tiếp đà mua ròng tuần trước đó, nếu không tính giá trị bán ròng ở phương thức thỏa thuận đột biến đối với cổ phiếu VIB ngày 24/9/2024, thì khối ngoại vừa có thêm 1 tuần mua ròng, xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu lớn thuộc nhóm tài chính như ngân hàng, chứng khoán. Điều này giúp ổn định tâm lý của nhà đầu tư trong nước và tạo tín hiệu tích cực lên thị trường. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt, với giá trị giao dịch tăng mạnh, đạt trên 24.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt thị trường đi lên trong tuần qua. Các mã như MBB, TPB và VIB đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, thu hút dòng tiền lớn từ cả nhà đầu tư nội và ngoại, cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ổn định và nhu cầu tín dụng tăng trở lại.

Trong suốt tuần, VN-Index duy trì đà tăng, tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Phiên giao dịch cuối tuần ghi nhận sự bứt phá khi chỉ số chạm mốc 1.300 điểm ngay từ phiên sáng, trước khi điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên chiều do áp lực chốt lời.

Một thông tin quan trọng từ quốc tế là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản. Thống đốc PBoC, ông Pan Gongsheng đã thông báo giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, đồng thời giảm lãi suất cho các khoản vay mua nhà. Những động thái này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản Trung Quốc hồi phục, đồng thời thúc đẩy sự ổn định kinh tế toàn cầu. Nhờ có thông tin hỗ trợ, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ đều tăng, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các thị trường trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Với dòng tiền dần quay trở lại và sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục tích lũy và điều chỉnh quanh vùng 1.280 - 1.290 điểm trong 2 phiên đầu, trước khi tăng tốc ở 3 phiên cuối tuần này. Đà tăng có thể gặp một số thử thách ở vùng kháng cự 1.300 - 1.305 điểm, nhưng nếu thanh khoản duy trì tốt và khối ngoại tiếp tục mua ròng, thị trường sẽ có cơ hội bứt phá, hướng tới mức cao mới. Nhà đầu tư nên theo dõi dòng tiền và diễn biến của các cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngân hàng, để có thể đưa ra chiến lược đầu tư hợp lý.

Ngành thép: Cơn bĩ cực đã qua

Sau nhịp phục hồi cuối năm 2022, giá thép thế giới duy trì trạng thái đi ngang trong suốt năm 2023 và bất ngờ giảm mạnh trong vài tháng gần đây, chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua, thậm chí còn thấp hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19.

Từ đầu tháng 6/2024, cổ phiếu ngành thép rơi vào giai đoạn suy thoái, chủ yếu do lo ngại về tình trạng dư cung, khiến giá thép giảm và nhà đầu tư trở nên thận trọng. Điều này khiến giá cổ phiếu HPG có một đợt điều chỉnh sâu từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9. Tuy nhiên, những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu thép bắt đầu khởi sắc trở lại nhờ thông tin tích cực từ Trung Quốc với các chính sách hỗ trợ như gỡ bỏ hạn chế mua nhà thứ hai, ưu đãi lãi suất mua nhà, giảm lãi suất cho các khoản vay mua nhà đang có, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng. Động thái này sẽ giúp giải phóng khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 142,44 tỷ USD) để cho các khoản vay mới và mở ra cơ hội cho một đợt cắt giảm lãi suất khác vào cuối năm nay.

Tín hiệu trên sau khi được phát đi được kỳ vọng sẽ làm ấm lại nền kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc, tác động tích cực đến ngành thép Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đầu ngành như HPG nói riêng. Đặc biệt, với hai yếu tố cộng hưởng là dự án Dung Quất 2 dự kiến đi vào vận hành năm 2025 và triển vọng dần phục hồi của thị trường bất động sản, triển vọng dài hạn của HPG trở nên sáng hơn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn