Thanh khoản xuống đáy 3 tháng, blue-chips giữ nhịp tốt

Ngay cả khi xuất hiện một nhịp rung lắc khá mạnh trong phiên chiều nay, thanh khoản hai sàn cũng không tăng lên được bao nhiêu so với buổi sáng. Áp lực bán khá yếu trong khi nhóm blue-chips giằng co biên độ hẹp ổn định chỉ số thành công. VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,64 điểm trong khi VN30-Index vẫn xanh 1,55 điểm.

Điểm nhấn của phiên hôm nay là thanh khoản cực thấp. Hai sàn chỉ khớp lệnh thành công 13.202 tỷ đồng, giảm 28% so với hôm qua và xuống đáy 3 tháng. Chiều nay thanh khoản có tăng nhẹ hơn 15% so với buổi sáng, đạt gần 7.076 tỷ đồng nhờ xuất hiện một nhịp rung lắc khá mạnh.

Thị trường phục hồi tốt nhất và đạt đỉnh trong khoảng 40 phút đầu tiên của phiên chiều, VN-Index tăng vượt tham chiếu 2,8 điểm. Ngay sau đó là một nhịp bổ nhào giảm xuống đáy mới, giảm 5,4 điểm. Diễn biến này do tác động của các trụ khá rõ. Tất cả các trụ lớn nhất như VCB, VIC, VHM, BID, thậm chí đang dẫn dắt như FPT, MWG cũng chao đảo. Tuy nhiên độ rộng thì không thay đổi nhiều: Tại đỉnh, VN-Index có 133 mã tăng/319 mã giảm thì tại đáy là 123 mã tăng/346 mã giảm. Chiều kéo VN-Index tăng vượt tham chiếu cũng không xuất hiện sự thay đổi rõ nét nào trong độ rộng.

Hiện tượng rung lắc do tác động trụ có thể khiến nhà đầu tư lo ngại và bán ra, nhất là khi thị trường vừa có một ngày tăng bùng nổ và lượng hàng bắt đáy về tài khoản đang có lãi tốt. Thanh khoản phiên chiều tăng 15% so với buổi sáng nhưng con số tuyệt đối không cao, thậm chí là thấp nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay.

Như vậy có thể xem lượng giao dịch nhỏ trong phiên chiều cũng như cả ngày hôm nay là một tín hiệu tích cực, vì nhà đầu tư có xu hướng găm giữ cổ phiếu lại ngay cả khi bắt đúng đáy và có lãi.

Nhóm blue-chips hôm nay nhìn chung không mạnh, nhưng giữ nhịp tốt. VN30-Index đóng cửa tăng 0,13% và là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất trên HoSE tăng. Midcap vẫn giảm 0,4%, Smallcap giảm 0,37%. Độ rộng của rổ blue-chips cũng không hẳn là là tốt với 11 mã tăng/16 mã giảm. Tuy nhiên phía giảm hầu hết là nhẹ, chỉ có TCB giảm 1,81%, MBB giảm 1,33%, VIB giảm 1,17% là đáng kể. Các mã này được “cân” tốt nhờ FPT tăng 2,58%, MWG tăng 2,87%, MSN tăng 1,79%, VNM tăng 1,09%. Chỉ có điều tác động FPT và MWG khá nhỏ trong VN-Index nên chỉ số này đóng cửa vẫn dưới tham chiếu.

Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hôm nay nhưng các blue-chips điều chỉnh khá nhẹ.
Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hôm nay nhưng các blue-chips điều chỉnh khá nhẹ.

Nhóm tổn thương lớn nhất hôm nay là các mã vừa và nhỏ, HoSE kết phiên vẫn còn 109 cổ phiếu giảm hơn 1% và VN30 chỉ có 3 mã. DIG, DBC, VCI, PDR, DXG, LPB, NLG, NKG là các cổ phiếu thanh khoản đáng chú ý khi giao dịch đều trên trăm tỷ đồng. Nếu không tính các mã thuộc VN30 thì nhóm giảm trên 1% trên sàn HoSE tập trung thanh khoản khoảng 22,2% toàn sàn.

Mặc dù vậy yếu tố bắt đáy vẫn tạo hiệu quả giá nhất định. Độ rộng hẹp xác nhận cổ phiếu không đủ sức phục hồi mạnh tới tham chiếu, nhưng khả năng thoát đáy thì vẫn khá tích cực. Cụ thể, trên 53% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên HoSE phiên này đạt mức giá đóng cửa cao hơn giá thấp nhất ngày tối thiểu 1%. Thông thường sức ép từ phía bán được xem là tuyệt đối khi tạo mức giá đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất. Việc giá đóng cửa được nâng lên cho thấy ở vùng giá thấp có cầu đỡ, bất kể là lực cầu này có đưa giá vượt tham chiếu hay không.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cải thiện lực mua khá tốt. Cụ thể, khối này giải ngân thêm trên HoSE tới gần 1.220 tỷ đồng, tăng 24% so với buổi sáng, trong khi bán ra giảm hơn 7% với 1.284,9 tỷ, tương ứng bán ròng chỉ còn 65,4 tỷ đồng. Buổi sáng khối này bán ròng tới 401 tỷ đồng.

Mặt khác, lại xuất hiện giao dịch bán ròng thỏa thuận 277,9 tỷ đồng với chứng chỉ quỹ FUEVFVND, nên tính chung cả phiên, mức bán ròng với cổ phiếu chỉ tương ứng xấp xỉ 189 tỷ đồng. DIG, GAS, GEX, HDB, CTR, LPB, HDC, MSN, EVF là các mã bị bán ròng từ 20 tỷ tới 40 tỷ đồng. Phía mua có MWG +209,6 tỷ, VND +45,3 tỷ, TPB +42,6 tỷ, HPG +40,8 tỷ, KDH +28,6 tỷ, VNM +21,9 tỷ, ASM +20 tỷ.

Xem thêm tại vneconomy.vn