Thanh toán trực tuyến bùng nổ, ngân hàng 'xây rào' ngăn tội phạm mạng

Trong năm 2024, ngành ngân hàng đặt trọng tâm trong công tác thanh toán là đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, trong bối cảnh hoạt động thanh toán phát triển mạnh song tội phạm gian lận, lừa đảo cũng không ngừng gia tăng.

Giao dịch trực tuyến tăng đi kèm thách thức lớn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian qua, công tác thanh toán đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nếu như ở giai đoạn 2015-2017, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có 31% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, thì đến nay đã tăng lên 77,41%. Nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.

Về số lượng giao dịch, nếu như năm 2019, hệ thống thanh toán bù trừ có khoảng 700 triệu giao dịch, thì đến năm 2023 đã đạt 7 tỷ giao dịch, tăng gấp 10 lần.

Nếu như năm 2017, chỉ một vài ngân hàng có Mobile Banking thì hiện nay, tất cả giao dịch đều thực hiện trên mobile, đem đến sự giao tiếp hoàn toàn khác cho người dùng.

-5229-1704898765.jpg

Khách hàng thực hiện giao dịch trên kênh ngân hàng số của VPBank.

Trước kia, giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngân hàng thì giờ đây, người dùng thông qua app ngân hàng đã có thể đặt vé máy bay, chọn chỗ ngồi, đặt taxi, đóng tiền điện, nước… cho thấy sự tích hợp của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác đã ở mức độ rất cao.

Thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh tiến độ thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Lãnh đạo Vietinbank cho biết, 98% giao dịch của khách hàng cá nhân và 81% giao dịch của khách hàng doanh nghiệp tại Vietinbank được thực hiện thông qua kênh số.

Tương tự, tại Techcombank, trong năm 2023, số lượng giao dịch trên kênh ngân hàng số đạt 1.233 triệu giao dịch (tăng 46% so với năm 2022 – chiếm 91% giao dịch). Số lượng khách hàng giao dịch bằng QR tăng gấp 3 lần so với năm 2022.

Đồng thời, lãnh đạo Techcombank cho biết kinh doanh kỹ thuật số đóng góp hơn 30% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng (TOI).

Hay như tại BIDV trong năm 2023 có hơn 93% số lượng giao dịch thực hiện trên kênh số; có 15 triệu khách hàng giao dịch trên kênh số với doanh số giao dịch hơn 14,2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, khi số lượng khách hàng tăng, giao dịch tăng cả về số lượng và chất lượng, kết nối phức tạp cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán.

Cụ thể, đó là việc tăng trưởng số lượng tài khoản đi kèm vấn nạn sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản thanh toán, hay việc nhiều cá nhân mở tài khoản rồi bán lại cho người khác sử dụng, các giao dịch bất hợp pháp… Bên cạnh đó còn là các nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống.

Chính vì vậy, khi nhiều ngân hàng đã chạm mức hơn 25 triệu khách hàng - một con số mơ ước ở nhiều quốc gia, thì việc đảm bảo an ninh an toàn sẽ càng quan trọng hơn.

Ngân hàng làm sạch dữ liệu khách hàng để kiểm soát rủi ro

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 được tổ chức mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết công tác về thanh toán gắn liền với tài sản, rất dễ bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo, giả mạo. Chính vì vậy, vai trò của Bộ Công an trong việc phối hợp chặt chẽ và cùng NHNN trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán nhưng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng.

Theo Thống đốc, năm 2024, ngành ngân hàng phải đặt trọng tâm trong công tác thanh toán là đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của NHNN cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thống đốc khẳng định niềm tin vào hệ thống ngân hàng rất quan trọng. “Nếu như tất cả các hoạt động của ngân hàng có làm tốt tới đâu, mà hoạt động thanh toán để xảy ra vấn đề rủi ro trong hoạt động, khi người dân mất tiền, chúng ta không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi họ sử dụng dịch vụ của chúng ta thì niềm tin bị sụt giảm”, Thống đốc nhấn mạnh.

Vì vậy, các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực cho phát triển không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số nhưng vẫn phải đảm bảo vừa phát triển, hành lang pháp lý đủ để đảm bảo kiểm soát rủi ro cho hoạt động này; tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện LPBank cho biết, ngân hàng đang quyết liệt triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025), trong đó tích cực thực hiện làm sạch dữ liệu khách hàng, phòng ngừa các giao dịch bất hợp pháp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống.

BIDV cũng cho biết đang phối hợp với C06 - Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học.

Các ngân hàng cho rằng chuyển đổi số là một hành trình dài với nhiều thách thức, vì vậy các ngân hàng kiến nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện các giải pháp/cơ chế cho phép các ngân hàng tận dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để làm sạch, làm phong phú dữ liệu khách hàng theo thời gian thực để ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, cấp tín dụng đúng cho đúng đối tượng khách hàng.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn