Tháo rào cản pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái
Trái ngọt khi làm khu công nghiệp sinh thái
Biết là đầu tưdự án khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, nhưng ông Trương An Dương, Giám đốc khối bất động sản nhà ở của Frasers Property Vietnam khẳng định, lợi ích mang lại cũng rất lớn.
Theo ông Dương, việc phát triển bất động sản công nghiệp trên thế giới thời gian tới sẽ yêu cầu khắt khe hơn, liên quan chứng chỉ xanh và đây là yếu tố mà Frasers đã chuẩn bị và đang phát triển. Ví dụ, trong các dự án bất động sản công nghiệp do Frasers phát triển, tỷ lệ cây xanh chiếm 25 - 26%, trong khi quy định chỉ là 20%.
“Để đầu tư vào việc phát triển KCN xanh, chi phí đầu tư gia tăng, nên ảnh hưởng đến giá bán cũng như giá cho thuê. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn xanh lại là lợi thế cạnh tranh của Frasers trên thị trường, do nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Mỹ và Nhật Bản rất quan tâm phát triển xanh”, ông Dương nói.
Ngoài lợi thế gia tăng khả năng cạnh tranh, việc phát triển KCN xanh, KCN sinh thái cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường. Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã tiết giảm sử dụng năng lượng, tiết giảm sử dụng nước sạch, giảm phát thải ra môi trường, nên giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.
Ông Julien Nguyen, Giám đốc quốc gia Tập đoàn WHA Việt Nam - chủ đầu tư Khu công nghiệp WHA IZ 1 (tỉnh Nghệ An) cũng đánh giá, việc phát triển KCN sinh thái là hướng đi tốt.
“Chúng tôi khuyến khích hướng đi này vì chúng tôi thấy có nhu cầu rõ ràng từ khách hàng, các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng về một chuỗi cung ứng bền vững hơn”, ông Julien Nguyen chia sẻ.
Vướng mắc trong triển khai
Việc phát triển KCN sinh thái là xu hướng tất yếu, nhất là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, đã đưa ra các định nghĩa rõ hơn về khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao…
Song, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Để được công nhận là một KCN sinh thái, các doanh nghiệp trong KCN tham gia hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết, hợp tác sản xuất để thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp. Nhưng quá trình này không hề dễ dàng.
Theo ông Giang Ngọc Phương, một trong những khó khăn trong thời gian đầu là sự vận động các doanh nghiệp trong KCN tham gia mô hình, vì các doanh nghiệp hầu như không có kinh nghiệm, không hiểu được mô hình chuyển đổi này, trong khi có rất nhiều tiêu chuẩn để hướng đến thị trường quốc tế.
Trong khi đó, chính sách của Nhà nước vẫn còn một số rào cản. Chẳng hạn, chưa có chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp đạt được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái, cũng như những chính sách về thuế đối với công ty hạ tầng để khuyến khích họ hướng đến được chứng nhận là KCN sinh thái.
Chưa kể, các văn bản dưới luật cũng còn chồng chéo giữa các bộ, ngành trong quy định quản lý về tái sử dụng chất thải công nghiệp. “Pháp luật quy định, chất thải ra khỏi nhà máy thì phải do đơn vị có chức năng xử lý, chứ không trở thành nguyên liệu của nhà máy kế bên. Muốn đi qua nhà máy kế bên, thì phải xin phép, nhiều doanh nghiệp trong khu thấy phát sinh nhiều chi phí quá, nên không muốn”, ông Phương nêu ví dụ.
Chia sẻ vấn đề này, chuyên gia hóa chất và môi trường Nguyễn Thị Kim Liên đánh giá, tiềm năng cộng sinh công nghiệp ở các KCN Việt Nam là rất lớn, song pháp lý và chính sách đang là rào cản lớn cho cộng sinh công nghiệp.
Theo bà Liên, trong tổng thể, chính sách hiện nay thiếu khuyến khích về tài chính và kinh tế cho doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp năng lượng tái tạo; thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn phức tạp, thiếu chính sách hỗ trợ…
Dẫu vậy, ông Trương An Dương hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách khuyến khích phát triển xanh, bù đắp lại chi phí cho các nhà phát triển.
Xem thêm tại baodautu.vn