Thấy gì từ câu chuyện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém?

Theo đó, điều cổ đông ngân hàng đang quan tâm hơn cả là ngân hàng nhận chuyển giao sẽ có được lợi ích gì và tiến độ nhận chuyển giao bắt buộc ra sao khi mà kế hoạch này đã từng được trình tới cổ đông từ nhiều mùa đại hội trước nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức?

Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng (giữa) điều hành đại hội. (Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN).

Giải đáp cổ đông trong cuộc họp sáng 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không “thiết tha” với việc tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng), bởi hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Do đó, không phải ngân hàng nào cũng có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị để có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.

Tuy nhiên, trường hợp của VPBank theo ông Dũng là trường hợp đặc biệt. Do có sự tham gia của đối tác Nhật Bản SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn. Trong chiến lược của VPBank, tăng trưởng quy mô rất quan trọng. Vì vậy, tham gia vào tái cơ cấu, ngân hàng tuy không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành và được ưu tiên mở "room" nước ngoài. Các ngân hàng bị giới hạn room nước ngoài ở mức 30% và hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank. Nếu được nới room thì sẽ có điều kiện để nâng quy mô vốn của VPBank lên. 

Cập nhật tiến độ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đã hoàn thiện phương án và hiện đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Vietcombank đã đưa ra các giải pháp cụ thể để không bị động, nhằm đảm bảo việc chuyển giao suôn sẻ và tuân thủ lộ trình. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang tiến hành rà soát mạng lưới và đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, nhằm phát hiện và khắc phục các hạn chế về trình độ và chuyên môn, xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn. Đồng thời, ngân hàng đã thành lập các tiểu ban nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao.

"Theo kế hoạch, việc nhận chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024. Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập…", ông Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái đánh giá đây là cơ hội giúp mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng và nâng cao năng lực quản trị.

Chủ tịch MB khẳng định ngân hàng này đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt. Theo thông tin tại đại hội cổ đông mới đây, phương án nhận chuyển giao bắt buộc của MB sẽ được phê duyệt trong tháng 4. Hiện, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại mục tiêu theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc, có thể sẽ được thực hiện trong năm nay. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng mục tiêu vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Câu hỏi về khả năng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng được nhiều cổ đông đặt ra tại đại hội thường niên của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCm (HDBank). Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank cho hay, khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được  lời đề nghị từ phía Ngân hàng Nhà nước, đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. HDBank là một trong 4 ngân hàng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá có hoạt động lành mạnh và năng lực tài chính tốt và được lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

"Việc nhận nhiệm vụ này thể hiện trách nhiệm của HDBank. Và khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhờ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, HDBank có cơ hội bứt phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới", Phó Chủ tịch HDBank nhận định.

Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank). Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.

Tuy thông tin chính thức về "điểm đến" của các ngân hàng yếu kém vẫn chưa được công bố nhưng hiện Vietcombank đang hỗ trợ cho vay và hỗ trợ toàn diện CBBank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu… Trong khi đó, ban lãnh đạo MB cũng từng tiết lộ ngân hàng được chuyển giao có lỗ luỹ kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Trong số các ngân hàng trên, Oceanbank là ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng.

Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định nhiều quyền lợi mà bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể được hưởng. (Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN).

Thực tế, để được nhận chuyển giao bắt buộc, các điều kiện đặt ra khá nghiêm ngặt, nhưng quyền lợi của bên nhận cũng không phải là ít. Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định nhiều quyền lợi mà bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể được hưởng.

Ví dụ, trong trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, họ có quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng. Họ cũng có quyền bán hoặc phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được phê duyệt. Hơn nữa, họ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ phục hồi theo quy định của luật và phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Quyền lợi được hưởng là vậy song theo giới chuyên gia, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng không phải là một quá trình đơn giản. Đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều rủi ro phía trước như nợ xấu ngân hàng tiếp tục có nguy cơ gia tăng, nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, nhu cầu tín dụng cho sản xuất khó đạt mức tăng trưởng cao...

Do đó, thời điểm và lộ trình thực hiện kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém cũng cần phải cân nhắc để tránh tác động bất lợi lên hoạt động chung của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Xem thêm tại vietnambiz.vn