Thấy gì từ việc ‘cá mập’ quy mô gần 22.000 tỷ liên tục ‘gom’ cổ phiếu đầu ngành chăn nuôi?

Pyn Elite Fund vừa hoàn tất giao dịch mua vào thêm hơn 1,6 triệu cổ phiếu DBC. Sau giao dịch, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã nâng sở hữu tại Dabaco từ 21,2 triệu cổ phiếu lên 22,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 9,45%.

Quỹ ngoại liên tục nâng sở hữu tại Dabaco

Pyn Elite Fund là một trong những quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản quản lý vào cuối tháng 7 lên đến hơn 789 triệu EUR (~21.700 tỷ đồng). Hiệu suất đầu tư luỹ kế từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 7 của quỹ ngoại này đạt 13,14%, vượt trội hơn so với mức tăng 10% của chỉ số chính.

-6992-1723195849.jpg

Cổ phiếu chăn nuôi được kỳ vọng "ăn theo con sóng" của cổ phiếu đầu ngành.

Thời gian qua, Pyn Elite Fund liên tục gom thêm cổ phiếu DBC, chính thức trở thành cổ đông lớn tại Dabaco trong phiên 22/5 sau khi mua vào 2 triệu cổ phiếu; sau đó tiếp tục nâng sở hữu.

Trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, Pyn Elite Fund đã mua ròng 10,8 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi này với tổng giá trị ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Tại thư gửi nhà đầu tư hồi tháng 6, ông Petri Deryng, nhà điều hành quỹ cho biết khoản đầu tư vào Dabaco đang chiếm 3% giá trị danh mục.

Riêng về Dabaco, ông Petri Deryng nhận xét đây là một trong những công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Gần đây, doanh nghiệp đã có bước tiến đáng kể trong việc phát triển hoạt động kinh doanh mới về vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (ASF), một dự án được thực hiện với sự hợp tác của các nhà khoa học Mỹ từ năm 2021.

Kể từ đầu năm 2024, vaccine đã được tiêm cho 300.000 con lợn của Dabaco cho kết quả khả quan. Đặc biệt, nhà máy vaccine với công suất 200 triệu liều/năm đã được hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận GMP-WHO vào đầu tháng 8, đưa Dabaco đến gần hơn với việc đạt được sự chấp thuận thương mại cho vaccine. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ đàn gia súc của Dabaco mà còn ảnh hưởng tích cực tới ngành chăn nuôi Việt Nam, thậm chí kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho công ty trong thời gian tới.

Ông Deryng khẳng định khoản đầu tư của vào Dabaco có ý nghĩa ngắn hạn nhờ xu hướng giá lợn tích cực. "Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc khởi động nhà máy sản xuất vaccine và cũng chưa đủ phản ánh trong dự phóng của các nhà phân tích”, ông nói.

Mở ra kỳ vọng lớn cho nhóm cổ phiếu chăn nuôi

Có thể thấy, việc đang ra sức “gom” cổ phiếu DBC cho thấy quỹ ngoại Pyn Elite Fund đang dành nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu đầu ngành ngành chăn nuôi này. Không chỉ vậy, nhìn rộng hơn, các cổ phiếu khác trong ngành chăn nuôi cũng sẽ được “hưởng ké con sóng".

Người đứng đầu Pyn Elite Fund nhận định giá lợn hơi hiện tại giúp các công ty trong ngành dự báo có lợi nhuận cao năm 2024.

Thời gian qua, đàn lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình.

Trong bối cảnh đó, phần lớn doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều ghi nhận mức tăng trưởng nhờ giá thịt hơi ổn định trở lại trong nửa đầu năm 2024.

Nổi bật trong bức tranh chung của ngành chăn nuôi là kết quả kinh doanh của Dabaco và Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) với mức lợi nhuận tăng trưởng tới 3 chữ số trong nửa đầu năm 2024 nhờ sản lượng bán lợn tăng mạnh.

Cụ thể, quý II/2024, Nông nghiệp BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.225 tỷ đồng giảm 23%. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu tới hơn 30% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty ngược chiều tăng vọt 89% lên 174 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng đáng kể, gấp 4 lần cùng kỳ, lên 34 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý II/2024 nhưng tính chung nửa đầu năm, Dabaco vẫn ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II của Dabaco đạt 3.185 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 6.437 tỷ đồng, tăng 11%. Sau thuế, công ty báo lãi hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ năm 2023.

Trên thị trường, cổ phiếu chăn nuôi cũng diễn biến tương đối tích cực trong thời gian qua. Tăng nóng theo giá lợn trên cả nước, cổ phiếu DBC đã tăng hơn 31% kể từ đầu năm 2024 cho tới chốt phiên 21/6 đứng ở mức 36.800 đồng/cp - vùng đỉnh giá 2 năm của cổ phiếu doan nghiệp chăn nuôi lợn này. Mặc dù ghi nhận đà điều chỉnh sau đó nhưng với mức giá hiện tại, thị giá DBC vẫn không “hao hụt” so với thời điểm đầu năm.

Các công ty chứng khoán khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DBC, mức giá tối đa cho việc mua cổ phiếu là 32.700 – 33.800 đồng/cp.

Cùng thời gian, các cổ phiếu của “đại gia” chăn nuôi khác như HAG (Hoàng Anh Gia Lai), BAF… cũng vươn lên mức đỉnh cao rồi điều chỉnh dần nhưng nhìn chung không bị giảm quá mạnh.

Về xu hướng, nhiều chuyên gia dự báo giá lợn sẽ còn cao bởi nguồn cung trong năm ngoái giảm mạnh hơn nhu cầu và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung. Giá lợn tăng mạnh cũng thúc đẩy nhu cầu tái đàn tăng, nhưng vấn đề hiện nay là thiếu con giống nên nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Và thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực trong việc tái đàn.

"Nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên thị trường chưa hồi phục so với trước kia, tuy nhiên nguồn cung trong nước đã giảm từ năm trước do dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay, giá heo tăng trở lại, nhiều hộ muốn tái đàn nhưng vẫn lo lắng không biết xu hướng tăng giá kéo dài bao lâu. Mặt khác nguồn heo giống không đủ đáp ứng nên dẫn đến tình trạng thiếu hàng, khan hiếm ở nhiều nơi", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn