Thế Giới Di Động chuẩn bị mua cổ phiếu quỹ sau khi Bách Hóa Xanh và chuỗi điện máy tại Indonesia liên tiếp báo tin vui

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ để triển khai nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024. Múc đích là để giảm vốn điều lệ, giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và từ đó gia tăng tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu.

Ngân sách tối đa cho việc mua cổ phiếu quỹ là 100 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện trích từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối. Tổng số cổ phiếu dự kiến đăng ký mua lại phù hợp với nguồn vốn được phê duyệt hoặc tối đa 2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,14% tổng lượng cổ phiếu lưu hành). Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh.

Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 30 ngày kể từ khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau khi hoàn tất, Thế Giới Di Động sẽ thực hiện giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phiếu công ty mua lại trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.

Thế Giới Di Động hiện có vốn điều lệ khoảng 14.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,46 tỷ cổ phiếu lưu hành. Trên thị trường, cổ phiếu MWG đã tăng gần 47% từ đầu năm 2024 và hiện đang neo gần vùng đỉnh 21 tháng. Với thị giá 62.400 đồng/cp, giá trị vốn hóa của Thế Giới Di Động tương ứng khoảng 91.000 tỷ đồng.

photo-1719588807653

Trong một diễn biến khác, ngày 1/7 tới đây, Thế Giới Di Động sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt. Cổ đông đã thực hiện lăn chốt phiên giao dịch không hưởng quyền 28/6 vừa qua. Với gần 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi khoảng 730 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 10/7.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần thực hiện 2023. 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Thế Giới Di Động ước đạt 52.240 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 43% kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp không công bố số liệu lợi nhuận.

Thời điểm cuối tháng 5, doanh nghiệp bán lẻ này có 1.070 cửa hàng Thế Giới Di Động (bao gồm cả Topzone); 2.180 cửa hàng Điện Máy Xanh (bao gồm cả Điện Máy Xanh Supermini – ĐMS); 1.698 cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX); 526 nhà thuốc An Khang; 64 cửa hàng AVAKids và 59 cửa hàng EraBlue.

Đáng chú ý, doanh thu bình quân của BHX đã cán mốc 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Với con số này, nhiều khả năng chuỗi bách hóa của Thế Giới Di Động đã có lãi trong tháng 5 bởi nhiều công ty chứng khoán từng đưa ra dự báo mức 1,8 tỷ đồng/cửa hàng là điểm hòa vốn đối với BHX. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu BHX tối thiểu sẽ có lãi trong năm nay.

photo-1719588831676

Thêm một tin vui cũng vừa đến với cổ đông Thế Giới Di Động là việc chuỗi điện máy tại Indonesia – EraBlue vừa có tháng thứ 3 liên tiếp "mang tiền về cho mẹ" và chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng từ 60 cửa hàng lên 500 cửa hàng vào 2027 theo như chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên HĐQT Thế Giới Di Động trên facebook cá nhân.

Trước đó trong quý 1, Thế Giới Di Động lãi ròng 902 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022. Theo báo cáo mới đây, MBS dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ này có thể tăng trưởng đột biến đến 2.944% so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện khi mức nền giá các sản phẩm ICT-CE đều tăng trở lại, cao hơn 5-10% và BHX duy trì doanh thu trung bình/cửa hàng đạt 1,9 tỷ đồng/tháng cùng với biên lợi nhuận gộp khoảng 25%.

photo-1719588851046

Xem thêm tại cafef.vn