Thế lực mới ngành chứng khoán hậu M&A
Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán lại càng gay gắt. Số lượng nhà đầu tư gia tăng mạnh kéo theo nhu cầu đầu tư đa dạng, đòi hỏi các công ty không ngừng nâng cao năng lực tài chính để theo đuổi những "cuộc chơi" giành thị phần bền bỉ và có phần tốn kém.
Xu hướng này mở ra cơ hội cho các ngân hàng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chứng khoán đầy tiềm năng thông qua hoạt động M&A. Sự xuất hiện của CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) trong hệ sinh thái tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một trong những ví dụ thành công điển hình.
VPBankS tiền thân là CTCP Chứng khoán Châu Á, được thành lập từ 2009. Đến năm 2015, công ty lần đầu đổi tên thành Chứng khoán ASC. Bước ngoặt đến với công ty chứng khoán này vào đầu năm 2022 khi VPBank hoàn tất mua lại, sau đó đổi tên thành VPBankS. Thương vụ cũng đánh dấu sự trở lại của ngân hàng sau thời gian tạm rời xa chứng khoán.
Trước VPBankS, VPBank đã từng đầu tư vào VPS nhưng đã thoái vốn từ năm 2016. Sau 6 năm, ngân hàng này đã quay trở lại sân chơi chứng khoán khi nhận thấy cơ hội và tiềm năng từ thị trường. Với "chiến mã" hoàn toàn mới mang tên VPBankS, VPBank không giấu diếm tham vọng cho một cuộc chơi thực sự lớn.
"Việc đầu tư vào công ty chứng khoán nằm trong chiến lược của ngân hàng khi VPBank có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. VPBankS là một trong những mắt xích quan trọng để tạo nên một hệ sinh thái tài chính toàn diện, đa tầng của VPBank", ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc VPBankS khẳng định.
Ngay sau khi về "chung nhà", VPBankS được ngân hàng mẹ liên tiếp "bơm" thêm vốn khủng, từ con số khiêm tốn 270 tỷ đồng tăng vọt lên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này đưa VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm đó, trước khi SSI thực hiện tăng vốn. Đến nay, VPBankS vẫn đang chia sẻ vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ với SSI, đồng thời nằm trong top các công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành.
Nhờ nguồn vốn khủng được tiếp thêm từ VPBank, VPBankS tái cấu trúc một cách toàn diện từ mô hình hoạt động, đến nhận diện thương hiệu. Trên nền tảng con người cùng "bàn đạp" công nghệ, hoạt động kinh doanh của VPBankS nhanh chóng đi vào quỹ đạo sau thời gian dài gần như "đóng băng" dưới cái tên Chứng khoán ASC.
Cái tên VPBankS cùng sự hậu thuẫn của ngân hàng mẹ VPBank ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Số lượng khách hàng của công ty cũng theo đó tăng vọt, lượng tài khoản mở mới đạt gần 250.000 trong năm 2023, gấp 6 lần năm trước, chiếm khoảng 15% số lượng tài khoản mở mới toàn thị trường.
Thành quả này phần nào đến từ sự cộng hưởng thế mạnh giữa VPBankS với các thành viên thuộc ngân hàng mẹ VPBank. Việc liên kết mở tài khoản giữa ngân hàng và công ty chứng khoán, bán chéo các sản phẩm dịch vụ giúp thúc đẩy lượng khách hàng đến với VPBankS tăng lên nhanh chóng.
Tệp khách hàng mở rộng, các sản phẩm, dịch vụ do VPBankS cung cấp dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư, đặc biệt trong hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay của công ty chứng khoán này đã tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm, lên hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ margin chiếm gần 7.100 tỷ đồng, nằm trong top đầu thị trường.
Bên cạnh cho vay khởi sắc, hoạt động môi giới và tự doanh cũng hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho VPBankS. Năm 2023, doanh thu hoạt động của công ty chứng khoán này đạt hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2022 trước đó. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng đột biến hơn 130% so với cùng kỳ, đạt gần 1.255 tỷ đồng, kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Những con số ấn tượng trong một năm 2023 đầy thách thức đối với ngành chứng khoán là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của VPBankS. Với triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong tương lai, đặc biệt khi câu chuyện nâng hạng đang ngày càng rõ ràng, VPBankS được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hậu thuẫn của ngân hàng mẹ.
Đây được đánh giá là bước đệm vững chắc để VPBankS hiện thực hóa mục tiêu gia nhập top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường chứng khoán vào năm 2026 với mục tiêu đạt hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán và tổng giá trị tài sản quản lý đạt 7,2 tỷ USD. Công ty này được kỳ vọng trở thành "gà đẻ trứng vàng mới" và là mảnh ghép hoàn hảo trong chiến lược hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu của VPBank.
Xem thêm tại cafef.vn