Thêm động lực cho tăng trưởng tín dụng

Thêm động lực

Tuần cuối của tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc bơm vốn qua kênh OMO, với giá trị khoảng 33.300 tỷ đồng, kỳ hạn 7 - 14 ngày, lãi suất 4,25%/năm. Các chuyên gia phân tích ước tính tổng giá trị tiền ròng bơm vào hệ thống đạt khoảng 58.100 tỷ đồng, trong đó bao gồm 24.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Ước tính khoảng 22.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục đáo hạn trong tuần tới.

Đáng chú ý, từ ngày 26/8/2024, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hút tiền qua kênh tín phiếu và chuyển sang trạng thái bơm ròng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó, giúp kéo giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng khi áp lực tỷ giá đã vơi bớt. Cụ thể, lãi suất qua đêm cuối tuần qua đã giảm 50 điểm cơ bản so với đầu tuần về mức 3,8%/năm, trong khi các kỳ hạn dưới 1 tháng hiện dao động trong khoảng 4,1 - 4,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 5,1%/năm.

Cùng với lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, một số ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm. Chẳng hạn, OCB giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tại kỳ hạn 24 tháng, từ mức 5,8%/năm xuống còn 5,6%/năm và 36 tháng từ 6,0%/năm xuống 5,8%/năm. Còn tại ABBank, lãi suất tiền gửi trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ, tiền gửi của khách hàng cá nhân kỳ hạn 3 tháng đã điều chỉnh giảm 0,3%/năm xuống còn 3,7%/năm.

Tương tự, các kỳ hạn 7 - 8 tháng giảm 0,1%/năm, xuống còn 5,1%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,3%/năm xuống 5,2%/năm. Đồng thời, nhà băng này giảm 0,4%/năm lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng, xuống còn 5,6%/năm. Trước đó, các ngân hàng luôn trong nhóm có lãi suất huy động cao trên thị trường như BacABank và SeABank… cũng giảm lãi suất tiết kiệm.

“Tất nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất cao, đặc biệt tại các ngân hàng lớn, nhưng những động thái hạ lãi suất của các ngân hàng trên cũng đưa đến những tín hiệu về ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu 15% cho cả năm của Ngân hàng Nhà nước mặc dù môi trường lãi suất rất thuận lợi, cho thấy nhu cầu đầu tư trong nước vẫn còn yếu. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% so với cùng kỳ, nhờ các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, bất động sản, thương mại, vận tải và viễn thông.

Theo chuyên gia kinh tế của WB, dữ liệu mới nhất về cho vay tiêu dùng của các ngân hàng chiếm khoảng 95% tổng cho vay tiêu dùng, cho thấy tâm lý của người tiêu dùng vẫn yếu, khi các khoản vay mua nhà và mua ô tô giảm trong quý I/2024 so với cuối năm 2023. Tổng cho vay tiêu dùng vào quý I/2024 tăng 6,8% so cùng kỳ, ngay cả khi xét đến mức tăng trưởng thấp năm 2023, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ bình quân đạt 16,1% trong 5 năm trước đây.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Đó là chưa kể tới việc tín dụng tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm và ì ạch nhích lên từ tháng 4, sau đó bứt phá những tuần cuối tháng 6 rồi quay đầu giảm.

Trong động thái “thúc” tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ ngày 28/8/2024, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu cơ quan này đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.

“Mục tiêu 14 - 15% có khả năng sẽ đạt được”

Ngân hàng Nhà nước đang chuyển sang trạng thái bơm ròng nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Cũng liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm ngoái, dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng mạnh trong tháng 11 - 12 và kết thúc năm ở mức 13,7%. Riêng trong quý IV/2023, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm khoảng 5 - 8% so với mức trung bình 2 - 3% trong ba quý trước đó.

Các chuyên gia phân tích chung quan điểm, tăng trưởng tín dụng tăng trở lại trong quý IV/2023 là một tín hiệu tích cực, hỗ trợ cho việc ổn định biên lãi ròng (NIM) và tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về khả năng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong đầu năm 2024 khi nhiều đơn vay vốn tiềm năng đã được xử lý trong những tháng cuối năm 2023.

“Các ngân hàng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay đã giảm. Nói cách khác, phía cung đã sẵn sàng, nên yếu tố quyết định với tăng trưởng tín dụng hiện nằm ở phía cầu”, một lãnh đạo cao cấp của Maybank bình luận.

Bà Dorsati Madani cho biết, tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế lớn như EU, Anh, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đang phát tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển, gián tiếp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

“Điều này có thể góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND/USD, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam”, chuyên gia WB nhận định.

Đại diện Maybank cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng đều nỗ lực đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế và lãi suất cho vay đang thấp, phản ánh phía cung đã sẵn sàng để hỗ trợ. Quyết định cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng (những ngân hàng có khả năng mở rộng tín dụng tốt) là một động lực khác cho tăng trưởng tín dụng, cho thấy quyết tâm tiếp tục đảm bảo đủ thanh khoản, nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, phần khó dự báo hơn là tốc độ phục hồi kinh tế, điều này sẽ là cơ sở cho việc hỗ trợ nhu cầu tín dụng.

“Chúng tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm 2024 có khả năng sẽ đạt được. Do mức nền thấp trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 12 - 13% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ 2023, trước khi tăng tốc từ quý III/2024 với mức tăng khoảng 14 - 16% so với cùng kỳ. Điểm tích cực là sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong ngành bất động sản sẽ diễn ra đáng kể từ cuối quý III/2024”, chuyên gia của Maybank dự báo.

Nhận định về động thái nới room tín dụng của cơ quan quản lý, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Có một số lĩnh vực đặc biệt được ngân hàng tài trợ là công nghiệp chế biến và nông nghiệp có nhiều khả năng mở rộng tín dụng hơn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn