Thêm loạt ngân hàng tăng lãi suất; ngân hàng đối diện với nguy cơ "bẫy thanh khoản"
Trong hai ngày đầu tháng 8/2024, có thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Agribank, HDBank và Sacombank. Như vậy, từ tháng 4/2024 đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên thị trường đã tăng lãi suất huy động. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024 có 19 ngân hàng tham gia tăng lãi suất huy động.
Trong ngày đầu tháng 8/2024, ngoại trừ Agribank còn có HDBank đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 5,1%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn còn lại được HDBank giữ nguyên.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm đang có chiều hướng giảm. Hôm nay (1/8), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang giao dịch ở mức 4,62%, giảm phiên thứ ba liên tiếp và giảm 0,31% so với phiên giao dịch đầu tuần.
Tuần trước, theo thống kê của NHNN, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.795.223 tỷ đồng, bình quân 359.045 tỷ đồng/ngày, tăng 11.937 tỷ đồng/ngày so với tuần trước nữa. Hơn 89% giao dịch tập trung vào kỳ hạn qua đêm.
Tuần qua, lãi suất liên ngân hàng đã có 3 phiên giảm liên tiếp trước khi tăng nhẹ trở lại vào phiên thứ sáu. Lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm so với tuần trước đó.
Trong tháng 7, NHNN sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý, lượng tiền được bơm qua kênh OMO tháng này đã tăng gấp 4 lần so với tháng trước.
Theo Công ty chứng khoán MBS, tính đến ngày 25/7, giá trị tiền ròng vào hệ thống ước đạt 392.500 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%, trong đó bao gồm 236.100 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2%-5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các NHTM đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, chuyên gia phân tích MBS nhận định.
Lãi suất tăng, bẫy thanh khoản dần trở thành hiện thực?
Bẫy thanh khoản được cảnh báo từ đầu quý II/2024 và dường như trở thành hiện thực khi làn sóng tăng lãi suất huy động liên tục lan rộng.
Chỉ riêng trong tháng 7/2024 đã có vài chục ngân hàng tăng lãi suất và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng luôn neo ở mức gần 5% với tất cả kỳ hạn.
“Lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, đi ngược với mong muốn của Chính phủ là lãi suất giảm xuống nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất liên ngân hàng quý I/2024 chỉ 0,3% thì quý II/2024 vọt lên 4%. Điều này cho thấy, thanh khoản đang trở nên có vấn đề”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Đầu tuần này, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đứng ở mức 4,93%, tất cả kỳ hạn khác ở mức trên 5%.
“Lãi suất qua đêm ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2 tháng vừa qua. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đạt 6% cũng là một yếu tố tác động đến đà tăng của lãi suất liên ngân hàng”, chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán MBS nhận định.
Trong tháng 7/2024, NHNN sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm ổn định thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý, lượng tiền được bơm qua kênh OMO trong tháng này tăng gấp 4 lần so với tháng trước đó.
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng liên tục tăng. Riêng trong tháng 7/2024 có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động, với mức tăng 0,1 - 0,7%. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên tới 5,5%, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chạm mức 6% và kỳ hạn 18 tháng lên tới 6,2%.
Trước đó, báo cáo của NHNN cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 1,5%. Tăng trưởng tín dụng nhanh gấp 4 lần tốc độ tăng huy động vốn đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động để nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
“Khi kinh tế phục hồi, thì tín dụng phục hồi, nhu cầu vốn tăng lên, kéo theo lãi suất huy động tăng. Dù chúng ta đang tìm cách kiềm chế lãi suất, song vẫn không thể ngăn lãi suất bò trườn tăng trở lại. Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Dù vậy, mức độ tăng lãi suất như hiện tại chưa gây nguy hiểm cho nền kinh tế, thậm chí còn có lợi cho nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Theo chuyên gia phân tích MBS, lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Dù vậy, MBS tin rằng, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam) cho rằng, việc NHNN bơm tiền đồng và tăng lãi suất trên kênh OMO là nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất VND với USD, giảm bớt áp lực cho tỷ giá.
Với định hướng như vậy, theo ông Trung, NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành, mà tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Điều tích cực là sức ép của tỷ giá đang giảm dần nhờ Chỉ số USD Index trên thế giới suy yếu cùng với việc NHNN tích cực bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Theo dự đoán của Citibank, tỷ giá sẽ hạ nhiệt về mức 25.300 VND/USD vào cuối năm nay. Nếu tháng 9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, thì sức ép với tỷ giá sẽ càng giảm.
Dù lãi suất tăng đáng kể từ đầu quý II/2024 đến nay, song vẫn đang thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ dần chững lại trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu.
Mức tăng lãi suất như hiện tại là hợp lý để tìm lại điểm cân bằng các kênh đầu tư. Thời gian qua, lãi suất đã bị “ép” hạ quá thấp, khiến dòng tiền rời bỏ ngân hàng, nguy cơ tạo bong bóng tài sản, gây hại cho nền kinh tế. Các chuyên gia cũng cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ chậm lại thời gian tới.
Dù thanh khoản hệ thống đã “căng” hơn giai đoạn trước, song nhìn chung, thanh khoản hệ thống vẫn không phải là vấn đề đáng lo ngại. PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nhà điều hành không để xảy ra cú sốc thanh khoản. Hệ thống ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân, miễn là doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.
SJC tiếp tục mua vàng miếng móp méo và vàng sản xuất trước năm 1996
Bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trả lời báo chí về động thái ngừng mua vàng miếng hai chữ móp méo và vàng miếng loại seri một chữ gần đây.
Bà Lê Thúy Hằng,Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) |
Những ngày gần đây, nhiều người nắm giữ vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số) vì Công ty SJC cho biết tạm ngừng mua vào. Trả lời báo chí, bà Lê Thúy Hằng cho hay, miếng vàng SJC được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001/2015. SJC luôn chịu trách nhiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm vàng miếng SJC do công ty sản xuất.
Đối với loại vàng có 1 ký tự được công ty sản xuất trước năm 1996, công ty đã dành một khoảng thời gian để khách hàng chuyển đổi sang loại vàng miếng 2 ký tự mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào. Hiện nay công ty vẫn thu mua loại vàng miếng SJC 1 ký tự bằng giá với loại vàng miếng SJC 2 ký tự. Sau đó công ty sẽ gia công loại vàng 1 ký tự thành vàng miếng SJC 2 ký tự để bán ra cho khách hàng.
Vàng SJC 1 ký tự và 2 ký tự bị móp méo, cong vênh, không đủ tiêu chuẩn lưu thông đều phải được gia công lại. Để thực hiện gia công lại, công ty cần phải bố trí nguồn lực và phải được sự cho phép của ngân hàng Nhà nước.
Mấy ngày gần đây công ty tạm ngưng thu mua vàng móp méo do nguyên nhân khách quan. Hiện nay, Công ty đã bố trí được nguồn lực để gia công lại và sẽ tiếp tục thu mua vàng SJC móp méo.
Theo bà Hằng, vàng miếng SJC 1 ký tự có chất lượng và trọng lượng giống như vàng miếng SJC 2 ký tự, nhưng do được sản xuất thời gian trước năm 1996 nên sau đó khi sản phẩm SJC 2 ký tự được sản xuất thì người tiêu dùng có tâm lý chuộng dùng loại vàng SJC 2 ký tự hơn.
Hiện nay công ty SJC cũng không còn bán loại SJC 1 ký tự mà chỉ thu mua vào để gia công lại thành vàng miếng SJC 2 ký tự.
Đã có 58 triệu ví điện tử, mở cơ chế chấm dứt độc quyền chuyển mạch tài chính
Một loạt quy định mới về trung gian thanh toán vừa được ban hành và có hiệu lực. Hiện cả nước có 50 trung gian thanh toán trong đó có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Vụ Thanh toán (ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính tới tháng 6/2024, Việt Nam đã đạt 9,13 triệu tài khoản Mobile-Money, 11.885 điểm kinh doanh được thiết lập, 275.575 đơn vị chấp nhận thanh toán và 128 triệu giao dịch trị giá 4.782 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thanh toán qua QR Code tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán trong đó có tới 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tính đến ngày 30/6/2024, hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động (chiếm 59% trong tổng số 58 triệu ví điện tử đã kích hoạt).
Theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), thị trường thanh toán tại Việt Nam năm 2023 có số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch, với tổng giá trị lên tới hơn 66 triệu tỷ đồng.
Số lượng giao dịch qua QR Code đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng trưởng mạnh mẽ 170% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch qua QR Code đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2022. Giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecom) đạt khoảng 210 triệu giao dịch, tăng trưởng 15% so với 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. 145,79 triệu thẻ đang lưu hành với tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2023 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với 2022.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, giá trị giao dịch rút tiền cao hơn so với giao dịch thanh toán, tuy nhiên mức độ chênh lệch đã giảm dần theo các năm gần đây và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2023. Doanh số thanh toán thẻ tăng qua các năm, tuy nhiên, giảm trong năm 2023.
Đại diện Napas cho biết, thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển và trở thành xu hướng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, Napas đã và đang liên tục phát triển hạ tầng thanh toán dùng chung, dải sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu kết nối của các ngân hàng, trung gian thanh toán, đẩy mạnh thanh toán điện tử tại Việt Nam. Đáp ứng phạm vi thanh toán nội địa và xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech cho biết, trong 5 năm qua, theo xu hướng chuyển đổi số của thế giới, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thanh toán. Sự xuất hiện của 50 đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép, các ví điện tử trong nước và khu vực cũng như hai nhà mạng lớn đang triển khai thí điểm mobile-money…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 17/7/2024) quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Hùng hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, NHNN sẽ ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của thị trường thanh toán.
Hiện Napas là tổ chức chuyển mạch thẻ duy nhất trên thị trường. Trước đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ đề nghị nên cho phép thêm đơn vị cung cấp dịch vụ này để tăng sức cạnh tranh, giảm phí cho người sử dụng. Với nền tảng công nghệ hiện tại, nhiều doanh nghiệp công nghệ có đủ sức tham gia dịch vụ này.
Hiện các quy định trong Nghị định 52 đã tạo cơ chế cho việc cấp phép thêm các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Theo đó, ngoài các điều kiện chung để thành lâp trung gian thanh toán về vốn điều lệ, Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhân sự, giải pháp kỹ thuật… đơn vị muốn cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử phải đáp ứng một số quy định khác.
Cụ thể, phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có thỏa thuận kết nối với ít nhất 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng vốn điều lệ trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chiếm trên 65% tổng vốn điều lệ của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ít nhất 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; có cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống kỹ thuật của tổ chức tham gia có thỏa thuận kết nối; có hệ thống máy chủ thực hiện theo quy định pháp luật và đáp ứng năng lực xử lý tối thiểu 10 triệu giao dịch thanh toán/ngày.
Tổ chức tham gia không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử.
Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển mạch tài chính còn hiệu lực; được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế; có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế kết nối với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức được cấp phép phải cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường và chỉ được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường sau khi triển khai hệ thống kỹ thuật đáp ứng quy định.
Chuyên gia dự báo về tỷ giá và lãi suất đến cuối năm
Chuyên gia từ Ngân hàng Citibank Việt Nam dự báo, lãi suất tiền VND sẽ được NHNN tiếp tục duy trì như hiện tại. Tương tự, lãi suất tiền USD cũng sẽ khó giảm, bất chấp các động thái điều chỉnh của Fed.
Tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách Hàng doanh nghiệp, Khối Nguồn Vốn, ngân hàng Citibank Việt Nam, đã phân tích và đưa ra dự đoán về tình hình GDP, lạm phát, tỷ giá và lãi suất từ giờ cho đến cuối năm.
Đầu tiên, không chỉ ông Trung, nhiều chuyên gia phân tích khác tại Citibank Việt Nam đều bất ngờ trước con số tăng trưởng GDP đạt 6,9% vào quý II/2024, trên nền quý I/2024 mới chỉ dừng ở mức 5,7%. Thành tích này được đóng góp chính bởi ngành sản xuất và dịch vụ, cũng như sức cầu nội địa và chi tiêu được cải thiện.
“Kinh tế Việt nam đang chứng kiến tăng trưởng GDP phục hồi ổn định. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ điều chỉnh lên từ 6 - 6,4%, đúng với kịch bản điều hành”, ông Trung dự báo.
Về chỉ số CPI, vị chuyên gia từ Citibank Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát đã tăng đến 4,03%. Tuy nhiên, nếu xét trong cả năm nay, mức lạm phát mục tiêu 4,5% sẽ không bị phá vỡ. Thay vào đó, CPI sẽ chỉ duy trì trong mức tăng khoảng 3,5 - 4%.
“Mặc dù lạm phát giá lương thực trong tháng 6/2024 khá cao, ảnh hưởng đến chỉ số chung nhưng lại được cân bằng bởi đà giảm của giá nhiên liệu. Các chuyên gia kinh tế của Citibank lạc quan rằng, tỷ lệ lạm phát còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Ngoài ra, giá gạo giảm ở các nước láng giềng có thể làm giảm nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫn đến lạm phát giá lương thực trong nước giảm”, các chuyên gia từ Citibank Việt Nam đánh giá.
Theo ông Trung, với các triển vọng tích cực về GDP và lạm phát, NHNN giải tỏa rất nhiều áp lực trong việc bơm vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ mở ra cơ hội để NHNN quay lại mục tiêu ban đầu, đó là kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát. Vị trưởng phòng của Citibank Việt Nam dự báo, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá sẽ quanh mức 25.300 VND/USD và đạt 26.000 VND/USD đến hết năm sau.
“Về mặt lãi suất, từ quý I/2024 đến nay, để giải quyết việc lãi suất cho vay tiền đồng quá thấp so với mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHNN đã đẩy tiền VND ra kênh OMO với lãi suất 4,5%, nhằm thu hẹp với con số 5,25% của Fed”, ông Trung cho hay.
Với định hướng như vậy, Citibank Việt Nam cho rằng NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành và tiếp tục duy trì lãi suất tiền VND như hiện tại. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền USD tại Việt Nam đang giúp nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi, nhờ mức lãi vay ngắn hạn rất tốt, chỉ khoảng 3%, thấp hơn so với Fed.
“Điều này cho thấy các ngân hàng đang cố gắng lấp đầy room tín dụng được NHNN cấp. Do đó, kể cả lộ trình Fed giảm lãi suất như nào trong thời gian tới thì lãi suất tiền USD tại VN sẽ rất khó giảm tiếp”, ông Trung dự báo.
Nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng 30% trong quý II/2024
Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới cho thấy, tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Cầu vàng thế giới tăng 4%, các ngân hàng trung ương vẫn muốn tiếp tục “ôm” vàng
Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong quý II/2024 cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, đánh dấu quý II tăng mạnh nhất theo dữ liệu của tổ chức này. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2024. Giá vàng trung bình đạt 2.338 USD/ounce, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 2.427 USD/ounce trong quý II/2024.
Các ngân hàng trung ương và các tổ chức thuộc chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Khảo sát ngân hàng trung ương hàng năm của WGC đã xác nhận rằng các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho biết:
“Đầu tư vàng toàn cầu vẫn ổn định, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái lên 254 tấn. Nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN mà chúng tôi theo dõi vẫn tích cực: tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do tiền mất giá.”
Về giá vàng thời gian gới, bà Louise Street, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Trong thời gian tới, câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ giúp vàng luôn là tâm điểm trong các chiến lược đầu tư? Với đợt cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp diễn ra, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đang tăng lên nhờ sự quan tâm trở lại từ các nhà đầu tư phương Tây. Sự phục hồi bền vững của hoạt động đầu tư từ nhóm này có thể thay đổi động lực nhu cầu về vàng trong nửa cuối năm 2024. Tại Ấn Độ, đợt cắt giảm thuế nhập khẩu vừa được công bố gần đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhu cầu vàng, nơi giá vàng cao đã cản trở việc người dân mua vào. Mặc dù có những khó khăn tiềm tàng đối với vàng trong tương lai, nhưng cũng có những thay đổi đang diễn ra trên thị trường toàn cầu có thể hỗ trợ và làm tăng nhu cầu vàng”.
Cầu vàng miếng Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Kết quả là nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu trong quý II/2024 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam và Indonesia ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý II/2024, trong khi Thái Lan đi ngược lại xu hướng mặc dù giá vàng cao kỷ lục.
Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý II/2024 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Hàng trăm tỷ USD chảy vào Việt Nam qua kênh tiền ảo: Kiến nghị sớm có khung pháp lý
Hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số toàn cầu những tháng đầu năm. Thị trường tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông, các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện đang kích thích nhà đầu tư bỏ vốn.
Bất chấp việc Chính phủ Đức bán tháo Bitcoin (BTC) quy mô hàng tỷ USD, thị trường tiền số đã hấp thụ tốt. Giá Bitcoin sau khi sụt giảm về mức trên 53.000 USD/BTC đã phục hồi về mức gần 68.000 USD/BTC cuối tuần qua.
Số lượng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tiền số cũng tăng mạnh. Những tháng đầu năm, đã có hơn 1.200 tỷ USD đổ vào các quỹ ETF tài sản số.
“Các nhà đầu tư tổ chức lớn đang chấp nhận khẩu vị rủi ro với các tài sản mới, trong đó có tài sản số. Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện. Dòng vốn vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm tương tự, tuy nhiên họ đang do dự, dè chừng vì thiếu các xác nhận và trang bị kiến thức rủi ro”, bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank nhận định.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các Dự án có tài sản thực tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy đã có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua đường FDI.
Trên toàn cầu, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030 theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group. Thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp, theo Standard Chartered.
RWA là một trong 4 hợp phần tạo nên tài sản số nói chung, cùng 3 loại hình tài sản khác là Tài sản mã hóa (Crypto assets), Tài sản ảo (Virtual assets) và Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). RWA được kỳ vọng sẽ giúp các nhà đầu tư và cả các quỹ có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư khi gần như bất kể tài sản, hàng hóa nào có giá trị cũng đều có thể được mã hóa, từ các tác phẩm nghệ thuật, công trình xây dựng, bất động sản,... đến các sản phẩm vô hình như bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ.
Tại Việt Nam, theo TS. Phạm Anh Khôi, do thiếu hành lang pháp lý quản lý Tài sản số, tài sản ảo nên toàn bộ dòng tiền đầu tư vào tài sản số chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng,...
“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này chính là RWA do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.
Mặc dù vậy, cũng theo các chuyên gia, các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực tài sản số nói chung và RWA cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín và đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.
Nhà đầu tư ôm tiền tỷ tìm kênh rót vốn
Đa phần nhà đầu tư vẫn đang “ôm tiền” đứng ngoài quan sát thị trường khi có quá nhiều biến số khó lường trước mắt. Đầu tư vào đâu nửa cuối năm là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất thời điểm này.
Nhiều biến số đang chờ đợi nhà đầu tư
Tại Hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Đạt Tống, Trưởng phòng cấp cao chiến lược thị trường, Exness Investment Bank cho rằng, có 2 rủi ro lớn có thể thay đổi toàn bộ thông tin vĩ mô kinh tế thế giới nửa cuối năm 2024 là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tính độc lập cao, song theo các chuyên gia, hành động của Fed cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sức ép chính trị. Theo đó, nếu Đảng Cộng hòa thắng, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì, khả năng giảm lãi suất của Fed sẽ chậm lại. Nếu Đảng Dân chủ chiến thắng, thì ngược lại, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn, lãi suất của Fed sẽ giảm nhanh hơn.
Ngoài động thái của Fed, thị trường thế giới đang ngóng đợi động thái chính sách của hàng loạt ngân hàng lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản… Động thái điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước đều sẽ gây ra biến động về các cặp tỷ giá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong kịch bản Fed giảm lãi suất, năm nay VND có thể mất giá 5%. Ngược lại, nếu Fed chậm giảm lãi suất, tỷ giá năm nay có thể tăng 5,5-6%.
Hiện nền kinh tế nhiều quốc gia đang bước vào giai đoạn hồi phục. Trong đó, làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là điểm nhấn làm nên sự khác biệt về sự cải thiện năng suất, hiệu quả, mức độ hồi phục của các quốc gia. Tốc độ hồi phục của kinh tế thế giới và diễn biến lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến các kênh đầu tư trên toàn cầu.
Theo ông Đạt Tống, nửa cuối năm nay, vàng tiếp tục được hỗ trợ nhờ cầu mua mạnh mẽ từ khối ngân hàng trung ương, đặc biệt là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Chưa kể, cầu vàng trang sức của các quốc gia ưa chuộng tiêu thụ vàng cũng gia tăng. Ngoài ra, các lớp tài sản được ưa chuộng nửa cuối năm nay được dự đoán là chứng khoán ở các nước đang phát triển, cổ phiếu thị trường châu Âu (đang được định giá rẻ), trái phiếu Mỹ…
“Nhìn chung, cổ phiếu trên thị trường thế giới nửa cuối năm tập trung vào câu chuyện định giá, nơi nào có định giá hấp dẫn, nơi đó còn cơ hội”, ông Đạt Tống phân tích.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, vàng tiếp tục là kênh đầu tư hút vốn năm nay và năm sau. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2024, giá vàng có thể đạt 2.500 USD/ounce, thậm chí có thể lên tới 3.000 USD/ounce vào năm tới.
Theo nhận định của bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Exness Investment Bank, thời gian tới, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư lớn của các nước phát triển như Anh, Mỹ, Thuỵ Sỹ… sẽ tiếp tục duy trì khẩu vị đầu tư với vàng. Nói cách khác, thời gian tới, vàng vẫn là tài sản đầu tiên nằm trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức lớn. Tiếp theo là cổ phiếu, đặc biệt là nhóm có vốn hóa lớn, cổ phiếu ngành công nghệ.
Ngoài ra, tài sản số cũng đang hút mạnh dòng tiền. Thời gian gần đây, đã có hơn 1.200 tỷ USD đổ vào các quỹ ETF tài sản số. Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông, liên tiếp thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Vàng, cổ phiếu, tài sản số sẽ hấp dẫn đầu tư?
Với thị trường Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định khá tích cực. Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank nhận định, năm nay, Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 6,4%, CPI tăng 3,4%, tỷ giá cuối năm chỉ dao động quanh mức 25.300 VND/USD, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất điều hành…
Bất chấp nền tảng kinh tế vĩ mô khởi sắc, các kênh đầu tư trong nước lại khá trầm lắng: thị trường vàng đóng băng, thị trường bất động sản và chứng khoán thanh khoản giảm sút, tiền số vẫn trong vùng xám chính sách, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm. Riêng tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục dù lãi suất thấp, do người dân thiếu kênh đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, chưa có dấu hiệu tiền chảy từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác. Tiền vẫn nằm trong tài khoản, nhà đầu tư chỉ tạm dừng giao dịch khi thị trường chưa khởi sắc.
“Họ đang chờ đợi một sự kiện, một dấu hiệu rõ ràng hơn. Giai đoạn này đang trong vùng trũng thông tin. Tôi cho rằng, bước vào cuối quý III/2024, khi thông tin rõ ràng hơn, tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn. Nửa cuối năm 2024, nhà đầu tư hãy nhìn vào các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định”, ông Khánh nhận xét.
Trong khi đó, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay sẽ lạc quan nhờ 4 yếu tố tích cực: gần thời điểm Fed hạ lãi suất; kinh tế khởi sắc; lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang phục hồi (dự kiến tăng 20% năm nay và tăng 15% năm tới); lãi suất được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa phục hồi mạnh mẽ.
Theo bà Hiền, VN-Index có thể đạt 1.350 điểm cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải dè chừng rủi ro về lạm phát, tỷ giá và áp lực rút ròng của nhà đầu tư ngoại.
Với vàng, dù giá được dự đoán tiếp tục tăng thời gian tới, song các chuyên gia cho rằng, kênh đầu tư này ở Việt Nam khó “nóng” nửa cuối năm. Lý do là giao dịch mua - bán trên thị trường vàng gần như đóng băng.
Trong khi đó, kênh đầu tư tiền số, tài sản số đang khởi sắc trở lại. Theo số liệu từ Chainalysis, có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023, cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua kênh đầu tư nước ngoài.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, hiện người Việt có khoảng 20 triệu tài khoản tài sản số, nhiều gấp 4 lần lượng tài khoản chứng khoán. Con số 120 tỷ USD nói trên chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế đầu tư của người Việt. Mặc dù đây là kênh đầu tư lớn, song thiếu hành lang pháp lý, nên chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng...
“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ, thì thay vì đi vào kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền có thể trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Tất nhiên, các nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín. Đặc biệt, cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích”, ông Khôi khuyến nghị.
Đầu tư bất động sản: Đã đến lúc mua vào
Đối với kênh đầu tư bất động sản, ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư SonKim Retail cho rằng, các nhà đầu tư định chế, nhà đầu tư tài chính đang tìm kiếm các cơ hội ở tài sản distressed assets (loại tài sản bị bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật, vì người bán hoặc doanh nghiệp cần tiền gấp).
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng quan tâm đến các dòng sản phẩm thuộc phân khúc ở thực và có mức giá tầm trung. Đây cũng là loại hình được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường khuyến nghị đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Riêng các doanh nghiệp trong ngành địa ốc lại tìm kiếm cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) nhằm gia tăng quỹ đất. Đối với mảng bán lẻ, làn sóng trả mặt bằng sẽ là thời cơ để các doanh nghiệp tận dụng thu gom đất phục vụ các chuỗi.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điểm đặc biệt nhất của thị trường nửa cuối năm nay là 3 luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản), sẽ gỡ khó nhiều thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, tới đây, có thể Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết giải tỏa cho hàng ngàn Dự án đắp chiếu tại TP.HCM và Hà Nội.
Hai yếu tố trên có thể tạo nên cú hích cho toàn bộ thị trường bất động sản, xây dựng, đầu tư công và góp phần làm ấm trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp. “Bây giờ là lúc nên xuống tiền đầu tư bất động sản”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Thận trọng hơn, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng, các yếu tố chính sách sẽ chưa tác động nhiều đến thị trường bất động sản nửa cuối năm nay. Lượng tiền gửi đổ vào ngân hàng tăng kỷ lục và thanh khoản thị trường bất động sản thấp kỷ lục cho thấy người dân vẫn còn tâm lý chờ đợi.
Dù vậy, xét về dài hạn (5-10 năm), việc 3 luật mới có hiệu lực sẽ giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững và công bằng hơn cho tất cả các bên tham gia. Theo ông Thắng, nhà đầu tư có thể tận dụng lãi suất thấp giai đoạn này để tham gia thị trường, song phải đặt nguyên tắc an toàn là quan trọng nhất, dựa trên khả năng trả nợ của mình.
Các chuyên gia dự đoán, trong giai đoạn tới, các dự án hạng B (nhà ở dưới 65 triệu đồng/m2) và hạng C (dưới 35 triệu đồng/m2) vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu ở thật và nhu cầu đầu tư.
Xem thêm tại baodautu.vn