Thêm một công ty “họ” FLC vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Thank tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Xây dựng FLC Faros.

Cụ thể, FLC Faros đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; Báo cáo tài chính quý I, II, III, IV năm 2022; Báo cáo tài chính quý I, II, III, IV năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2021, 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023. Với hành vi vi phạm này, FLC Faros bị xử phạt hành chính 92,5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 8/11/2023, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt đối với một công ty khác cũng thuộc họ nhà FLC, là CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã chứng khoán: KLF) số tiền 92,5 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự.

Thông tin thêm về CTCP FLC Faros, trước khi đổi tên thành FLC Faros năm 2015, Công ty được biết đến là CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, với ngành nghề kinh doanh, xây dựng, lắp đặt và tư vấn thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp, tư vấn và quản lý các công trình giao thông thủy lợi, khu công nghiệp.

Cổ phiếu ROS của CTCP FLC Faros lên sàn HOSE và tháng 9/2016 với kết quả kinh doanh: Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 304% so với năm 2015. Tuy nhiên, định giá cổ phiếu ROS (P/E) năm 2016 là 100 lần, đây là mức định giá “rất ảo” đối với một công ty xây dựng mới lên sàn.

Trên thực tế, quá trình tăng vốn và xem xét hoạt động kinh doanh của FLC Faros đã bộc lộ nhiều bất thường trên báo cáo tài chính doanh nghiệp ngay từ năm 2014.

Thời điểm năm 2014, FLC Faros chỉ là một doanh nghiệp không có tên tuổi, từ số vốn điều lệ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Sau 3 năm tăng phi mã, vốn điều lệ của Công ty này lên tới 4.300 tỷ đồng, ngang hàng với những doanh nghiệp quy mô lớn trong Ngành. Tổng tài sản tăng từ chưa đầy một tỷ đồng lên 782 tỷ đồng trong vòng một năm. Vốn góp từ chủ sở hữu cũng tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng trong năm 2014, với cơ cấu cổ đông ban đầu bao gồm 5 cá nhân và một tổ chức.

Cổ phiếu ROS đã bị HOSE đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8/2022, do doanh nghiệp đều tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022, tức quá nửa năm kể từ khi kết thúc năm tài chính 2021. 

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn